Anh Dương Văn Quỳnh – Thôn Nà Niểm, xã Khang Ninh đang thu hái quả hồng
Là hộ gia đình còn nhiều khó khăn, ruộng đất ít, lại thiếu kinh nghiệm làm ăn, nên năng suất cây trồng rất thấp. Anh Quỳnh chia sẻ: Để có đất phát triển sản xuất, năm 1999 gia đình anh đầu tư 500 nghìn đồng mua 6.500m2 đất nương ót để trồng cây ăn quả. Ban đầu khởi nghiệp khá vất vả, anh chỉ trồng vài chục cây xoài, xa nhân từ Dự án của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để thử nghiệm, nhưng do không có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thu nhập chẳng là bao. Không nản chí trước khó khăn, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công ở trong và ngoài địa phương về áp dụng. Thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp, năm 2000 anh tiếp tục đầu tư vốn trồng thêm hơn 130 gốc hồng không hạt và trồng xen kẽ hơn 500 cây Xạ đen để có thêm thu nhập. Do tìm tòi, học hỏi và nắm chắc kỹ thuât và quy trình chăm sóc nên vườn cây ăn quả của gia đình anh phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Tính riêng năm 2016, gia đình anh đã thu 2,5 tấn hồng, 200kg lá dược liệu xạ đen khô. Ngoài 130 gốc hồng ban đầu trồng từ năm 2000, gần đây, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư mua thêm đất trồng thêm 120 cây hồng để mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra anh còn chăn nuôi trên 200 con gà ta thả đối, nuôi lợn và làm thêm hơn 1.000m2 ruộng. Năm 2017 này hơn 130 gốc hồng của gia đình anh ước thu hoạch khoảng 3 tấn quả. Trừ các khoản chi phí một năm gia đình anh thu nhập từ 130 – 150 triệu đồng. Anh Quỳnh chia sẻ: “Cây hồng chăm bón không mất công nhiều, chỉ phải chăm bón thời điểm cây bắt đầu bói quả. Hiện đang vào vụ thu hoạch, 1 ngày gia đình anh có thể thu từ 2-2,5 tạ quả với giá bán trung bình tại vườn từ 25 – 30.000/kg”. Nói về mô hình kinh tế của gia đinh, Anh Quỳnh cho biết: “Tôi thấy trồng cây hồng không hạt và cây xạ đen rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, cây sinh trường và phát triển tốt, cho thu nhập cao hơn gấp 3 – 4 lần so với trồng ngô, lúa. Tuy nhiên hiện tượng sâu bệnh gây hại cũng phát triển rất mạnh, tôi mong muốn các cấp, ngành thường xuyên mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả để có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng phát triển kinh tế tại địa phương”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả, anh Dương Văn Quỳnh luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống…để bà con trong thôn có điều kiện phát triển kinh tế. Ông Dương Văn Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khang Ninh cho biết thêm: “”Gia đình anh Dương Văn Quỳnh, thôn Nà Niểm đã tích cực tham gia thục hiện chương trình trồng hồng không hạt. Sau 5 năm thục hiện đến nay gia đình ông đã có nguồn thu nhập khá, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đây là một mô hình đáng để nhiều hội viên nông dân khác học tập, làm theo…”.
Mô hình kinh tế của anh Dương Văn Quỳnh là một mô hình điển hình cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay mô hình này được triển khai nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể. Tuy nhiên, để cây hồng trở thanh cây trồng phát huy được thế mạnh thì chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần có chủ trương cụ thể hỗ trợ, giúp đỡ các hộ về vốn, kỹ thuật chăm sóc, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững./.