Tảo hôn và những câu chuyện buồn ở vùng cao Ba Bể

Với những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ của đồng bào như lấy vợ lấy chồng sớm để có người làm, sinh con trai để có người nối dõi, sinh con gái để rửa bát quyét nhà làm nương, nam nữ thanh niên yêu nhau lấy nhau rồi sinh con đẻ cái không phân biệt tuổi tác, huyết thống. Do đó ở một số thôn bản vùng cao của huyện Ba Bể , tảo hôn vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Ngược lên thôn Đồn Đèn – một thôn với 100% là đồng bào dân tộc H.Mông của xã Khang Ninh mới thấy những hủ tục còn nặng nề như một cơn mê đè nén bao thân phận của đồng bào vùng cao./.

Đang tuổi ăn tuổi lớn thì em Dương Thị Duyên ở thôn Đồn Đèn xã Khang Ninh đã phải làm mẹ. Năm 2005 khi mới 15 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra em vẫn đang được tới trường tới lớp thì gia đình đã tổ chức cho em lấy chồng. Ngày ngày em phải lầm lũi trên nương hay lụi cụi với những công việc gia đình để lo miếng ăn cho con nhỏ. Nay no mai đói là chuyện thường ngày. Năm 2017, cuộc sống cơ cực đã khiến đôi vợ chồng trẻ này chia ly, chồng Duyên bỏ em theo một người phụ nữ khác. Không nhà cửa, ruộng nương em đã phải tay xách nách mang bồng bế 3 đứa con nhỏ về cưu mang nhờ bố mẹ. Những đứa con lần lượt ra đời cũng là chuỗi ngày luẩn quẩn nghèo đói cứ đeo bám gia đình nhỏ này như một tương lai mù mịt không lối thoát.

Em Dương Thị Duyên vàcác con nhỏ phải ở nhờ nhà bố mẹ đẻ do quá khó khăn.

Cách nhà Duyên không xa, trong gian nhà nhỏ lụp xụp, lỗ trỗ vách tre đã mục nát, cuộc sống sau hôn nhân của vợ chồng Dương Văn Sỳ và Jàng Thị Siếu đang khốn khó từng ngày. Đàn con nheo nhóc, cái ăn của gia đình 5 miệng ăn phụ thuộc chính vào 300 m2 ruộng lúa bậc thang năm được năm mất. Cưới nhau ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Sỳ không nghĩ rằng cuộc sống sau hôn nhân không giống như mình đã hình dung. Ngôi nhà vách tre dựng tạm đã dột nát nhưng không có tiền sửa lại. Thức ăn hàng ngày chủ yếu là rau. Siếu hầu như không có thời gian đi làm vì đứa này chưa đầy năm thì đứa khác lại sắp ra đời. Một mình Sỳ lăn lộn vất vả nhưng cuộc sống của cả gia đình vẫn bấp bênh, bữa đói bữa no. 

Thôn Đồn Đèn xã Khang Ninh có 50 hộ dân thì đến nay 100% đều là hộ nghèo. Theo trưởng thôn Dương Văn Sinh thì hầu như ở trong thôn khi các em đến tuổi 13 – 14, gia đình đều tổ chức cho các em “tảo hôn”. Có không ít những gia đình bố mẹ mới chỉ ngoài 20 tuổi mà đã có tới 3 – 4 đứa  con. Trung bình mỗi cặp vợ chồng trẻ sau khi tách hộ có từ 5 – 6 nhân khẩu. Ruộng nương ít lại cằn cỗi nên mỗi năm nhà nước đều phải hỗ trợ cứu đói tới 2 lần, từ 5 – 6 tháng.

Tảo hôn dẫn tới nghèo đói, thất học và nhiều hệ lụy xã hội

 Theo thống kê của chính quyền xã Khang Ninh thì chỉ tính từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã có 13 cặp vợ chồng tảo hôn chủ yếu ở các thôn bản vùng cao. Mặc dù địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động song tình trạng tảo hôn ở lứa tuổi vị thành niên vẫn diễn ra. Tảo hôn đã thực sự là câu chuyện buồn là thách thức lớn với chính quyền địa phương.  Ông Nguyễn Văn Lẫm  – Phó chủ tịch UBND xã Khang Ninh cho biết: Mặc dù xã cũng thường xuyên cùng cán bộ chuyên môn và các hội đoàn thể đến tuyên truyền vận động  bà con các thôn bản vùng cao thực hiện đúng luật hôn nhân gia đình nhưng việc chấp hành dường như rất khó bởi họ cho rằng phong tục đã từ lâu được duy trì và khi họ kết hôn thường không báo cáo với chính quyền địa phương . Tảo hôn dẫn tới thiếu ăn, thiếu mặc và không được chăm sóc đầy đủ về y tế, văn hóa tinh thần là chuyện tất yếu. Những  câu chuyện buồn sẽ còn tiếp diễn nếu không có sự đồng lòng của toàn xã hội để làm thay đổi dần nhận thức của những người dân vùng cao.

Bài trướcTrên 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng Bưu điện huyện Ba Bể
Bài tiếp theoXét xử các đối tượng đánh bạc tại xã Cao Thượng huyện Ba Bể