Phụ nữ xã Hà Hiệu phát huy tốt hiệu quả từ mô hình Quỹ tiết kiệm tín dụng

Được triển khai từ tháng 6 năm 2013, Quỹ tiết kiệm – tín dụng do Hội Phụ nữ xã Hà Hiệu quản lý đã phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển sản xuất, từng bước xóa đói nghèo tại địa phương.

       Với mục đích nhằm hỗ trợ cho chị em phụ nữ đặc biệt là phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững, năm 2013, Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh Bắc Kan (gọi tắt là dự án 3PAD) triển khai chương trình tiết kiệm tín dụng tại 3 xã Chu Hương, Hà Hiệu và Địa Linh. Tại xã Hà Hiệu, 2 Tổ kiết kiệm tín dụng của Chi hội phụ nữ thôn Vằng Kè và chi hội phụ nữ thôn Nà Ma đã được dự án hỗ trợ 620 triệu đồng cho hội viên phụ nữ nghèo và cận nghèo vay để đầu tư phát triển kinh tế. Các hộ được vay vốn từ mức 20 đến 25 triệu đồng để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh. Thời hạn vay tối đa 36 tháng, lãi suất 0,8% /tháng. Thời gian ân hạn trả gốc 3 tháng (vay dưới 12 tháng), 6 tháng (vay 24 – 36 tháng). Nợ gốc được hoàn trả theo tháng, bắt đầu từ khi kết thúc ân hạn; lãi của khoản vay được trả theo tháng bắt đầu từ tháng đầu tiên; tiết kiệm bắt buộc 20.000 đồng/tháng được nộp theo tháng, bắt đầu từ tháng vay đầu tiên. Để đồng vốn của quỹ tiết kiệm tín dụng phát huy hiệu quả, bền vững, Hội Phụ nữ xã Hà Hiệu đã thường xuyên cử cán bộ quản lý Quỹ tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn trong quản lý vốn vay và nghiệp vụ kế toán đồng thời hướng dẫn các Tổ tiết kiệm tín dụng xây dựng quy chế hoạt động cụ thể. Hội viên muốn vay vốn phải hoàn toàn tự nguyện, được các thành viên trong Tổ đồng ý. Tham gia sinh hoạt nhóm tổ theo định kỳ hàng tháng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Hoàn trả lãi và gốc, đồng thời đóng tiết kiệm đúng thời gian quy định; tương trợ giúp đỡ các thành viên trong nhóm tổ khi gặp khó khăn, ốm đau hoạn nạn. Hàng tháng, qua buổi sinh hoạt nhóm tổ, hội viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh nghiệm phát triển các mô hình cây, con. Nói về ý nghĩa và hiệu quả bước đầu của mô hình, Chị Hoàng Thị Hằng – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm tín dụng thôn Vằng Kè xã Hà Hiệu cho biết: Nhìn chung chị em được vay vốn đều mua cây con giống và đầu tư vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình và bắt đầu phát huy được hiệu quả đồng vốn. Một số hộ nuôi lợn giờ đã có thêm lợn con để nuôi”

       Qua 8 tháng triển khai chương trình đã có có 33 hộ hội viên phụ nữ được vay vốn từ Quỹ tiết kiệm tín dụng với tổng số tiền là 620 triệu đồng. Hầu hết nguồn vốn vay được các hộ gia đình sử dụng để đầu tư trồng rừng và xây dựng, mở rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quỹ tiết kiệm tín dụng đã được Hội Phụ nữ xã Hà Hiệu quản lý và sử dụng hiệu quả. Quy trình cho vay được thực hiện đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, có kiểm tra, đánh giá trước khi cho vay. Việc thu hồi nợ gốc, lãi, nợ quá hạn được các Ban Tín dụng xã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở. Nguồn quỹ đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để có cơ hội mở rộng phát triển sản xuất. Đánh giá về kết quả hoạt động của mô hình trên, Chị Đàm Thị Tấm – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hà Hiệu nói:  Chị em rất là hưởng ứng và thực hiện tốt. Các tổ  sinh hoạt đều đặn, trả lại và gốc đúng thời gian quy định”.

 Hội viên Tổ tiết kiệm tín dụng xã Hà Hiệu thu nộp lãi hàng tháng

       Mặc dù Quỹ tiết kiệm tín dụng có sự khác biệt với các nguồn vốn vay khác về hình thức cho vay và hình thức hoàn trả vốn, các hội viên tham gia vay vốn quỹ tiết kiệm tín dụng sẽ được hưởng một số lợi ích như thời gian ân hạn dài, trả gốc dần theo từng tháng giúp chị em phụ nữ biết lập kế hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm, nâng cao nhận thức phát triển kinh tế bền vững. Mặc dù thời gian thực hiện chưa dài song những kết quả đạt được đã khẳng định việc xây dựng mô hình tổ, nhóm tiết kiệm tín dụng tại các chi hội phụ nữ là một chủ trương đúng đắn của dự án trong giai đoạn hiện nay, từng bước hình thành cho chị em thói quen tiết kiệm đồng thời chị em được vay từ quỹ tiết kiệm tín dụng đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tạo thêm việc làm, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của các địa phương. Thông qua sinh hoạt hàng tháng của Tổ nhóm tiết kiệm tín dụng đã lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và triển khai các nhiệm vụ của Hội một cách thuận lợi. góp phần thu hút, tập hợp hội viên  xây dựng và phát triển tổ chức hội hiệu quả hơn./.

Bài trướcBa Bể chăm sóc ngô soi bãi vụ xuân
Bài tiếp theoBa Bể chủ động phòng chống dịch bệnh sởi cho trẻ em