Phụ nữ Dao tiền giữ gìn nghề thêu trang phục truyền thống

Đã từ bao đời nay, nghề thêu hoa văn trên váy áo của người Dao Tiền chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm. Hiện nay, chị em phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở thôn Nà Hin xã Hà Hiệu đang truyền dạy cho nhau để giữ gìn nghề thêu truyền thống của dân tộc mình./.

Ảnh chị em phụ nữ Dao tiền ngồi khâu thêu trang phục truyền thống

          Người phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở thôn Nà Hin, ngoài những lúc lao động trên nương, ngoài ruộng, khi về nhà họ lại chăm chỉ với những đường kim, mũi chỉ để thêu, dệt làm nên những bộ trang phục với nhiều hoa văn độc đáo, tinh tế, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình. Một bộ trang phục truyền thống của người Dao phải dệt, thêu mấy tháng mới xong. Hoa văn và trang sức bạc trên trang phục của phụ nữ Dao Tiền có nhiều hình ngôi sao với nhiều cánh tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên. Theo phong tục từ xưa, con gái người Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, từ những công đoạn giản đơn đến phức tạp, từ những chi tiết nhỏ đến cách nhuộm những tấm áo chàm đã bị bạc màu; tự tay thêu, may những bộ quần áo của mình để mặc lúc ở nhà, đi chợ, đám cưới, lên nương, chơi hội xuân…

 

Ảnh mẹ dạy cách khâu thêu trang phục truyền thống cho con dâu

Chị Bàn Thị Yên – người dân thôn Nà Hin, xã Hà Hiệu chia sẻ Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, từ những công đoạn giản đơn đến phức tạp để tự tay may những bộ trang phục mặc ở nhà, hay đi chợ, đi đám cưới hay dự hội”. Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính, gồm: trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu. Thổ cẩm là loại vải chủ yếu để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình, như: chăn, địu, tấm trải gối, trải giường… Tuy nhiên, theo thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay nghề trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải đã không còn vì phụ nữ người Dao Tiền ở xã Hà Hiệu thường ra chợ mua vải, mua chỉ về thêu váy áo. Hiện nay chỉ có những người phụ nữ có tuổi mới biết thêu dệt váy áo.

Chị Bàn Thị Lơi – Thôn Na Hin xã Ha Hiệu chia sẻ thêm Những năm qua, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn luôn tuyên truyền cho người dân trong thôn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong những ngày lễ, Tết, ngày hội đại đoàn kết. Đồng thời truyền dạy kỹ thuật thêu váy áo truyền thống cho thế hệ con cháu để tiếp tục lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc”. Với sự tâm huyết của các bà, các mẹ trong việc truyền dạy nghề thêu váy áo truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ con cháu, hiện nay những phụ nữ trẻ tuổi trong thôn đã tích cực hơn trong việc học thêu váy áo của dân tộc mình. Nhiều chị em mặc dù mới học nhưng cũng muốn tự tay làm cho mình bộ trang phục của dân tộc  thật đẹp để mặc vào dịp Lễ hội, Tết… Vào những lúc nông nhàn hay là dịp Tết chị em phụ nữ trong thôn lại tập trung với nhau thành từng nhóm để dạy cho nhau cách thêu và may trang phục của dân tộc mình. Người già dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người chưa biết…tất cả phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xã Hà Hiệu đang cùng nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Ảnh các chị em phụ nữ thôn Nà Hin vệ sinh  đường làng ngõ xóm

Chị Hoàng Thị Tuế – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu nói:  Nghề thêu trang phục truyền thống ở thôn Nà Hin được thống kê trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể của xã. Vì vậy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hội Phụ nữ, các đoàn thể và thôn Nà Hin tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Dao Tiền, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy nghề thêu trang phục truyền thống, nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc”

Để bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có nghề thêu của dân tộc Dao Tiền ngoài sự nỗ lực của chị em phụ nữ người Dao Tiền thì đòi hỏi sự vào cuộc của cả cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với cả cộng đồng đang làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn, góp phần vào việc phát triển du lịch của địa phương.

Tác giả: Vi Thanh Hữu

nguồn tin: Trung tâm VHTTTT

Bài trướcTrao học bổng “Vì em hiếu học” tại huyện Ba Bể
Bài tiếp theoSố hồ sơ nộp ngày 06/01/2023 về việc tuyển dụng viên chức của huyện Ba Bể năm 2023