NHỮNG GƯƠNG PHỤ NỮ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN TRONG THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA NĂM 2020

Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN triển khai, trong năm 2020 trên địa bàn huyện Ba Bể đã xuất hiện nhiều gương hội viên phụ nữ tiêu biểu.

Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN triển khai, trong năm 2020 trên địa bàn huyện Ba Bể đã xuất hiện nhiều gương hội viên phụ nữ tiêu biểu. Họ là những điển hình về tinh thần chịu thương, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.     

1. Chị Lý Thị Hương, thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn Tiểu khu 3, thị trấn Chợ Rã là một trong những thành viên sử dựng có hiệu quả nhất vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn. Trước đây, gia đình chị là một trong những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 2016, sau khi được Hội LHPN thị trấn Chợ Rã, đặc biệt là được cán bộ của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn trực tiếp giới thiệu về các sản phẩm vốn vay với lãi suất phù hợp, chị đã mạnh dạn vay số tiền 14.700.000 đồng, cộng thêm số vốn của gia đình, chị đã đầu tư mua máy xay xát và chăn nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi chị không những trả đủ gốc và lãi đúng thời hạn mà còn dư một khoản tiền để tiếp tục mở rộng sản xuất. Sau khi hết vòng vay thứ nhất, gia đình chị tiếp tục vay thêm 23.100.000 đồng cùng với số tiền tích lũy được, nhận thấy giống lợn ta đen vừa có giá trị kinh tế cao lại ít bị dịch bệnh, chị xây thêm chuồng trại nuôi thêm 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Nhờ được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, gia đình chị chăm sóc đàn lợn rất khoa học, ngoài việc cho ăn uống đầy đủ, hằng ngày thường xuyên quét dọn chuồng trại, chị còn tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn. Chỉ sau khoảng 4 tháng chị đã xuất chuồng lứa lợn đầu tiên thu về được 75.000.000đ. Đồng thời, thường xuyên duy trì trong chuồng từ 30 – 40 con lợn thịt, lợn nái và lợn con. Vừa qua chị còn mua thêm máy làm bún, phở khô phục vụ bà con quanh vùng, hằng tuần sản xuất hơn 1 tạ bún, phở khô, doanh thu năm 2019 ước tính đạt 100 triệu đồng. Với sự nỗ lực không ngừng, vừa qua gia đình chị đã xây được căn nhà mới khang trang.

Không chỉ là người chịu thương, chịu khó, chị Hương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của chi hội, tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời tích cực tuyên truyền cho các hội viên trong tiểu khu được biết để tham gia vay vốn của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn, nên nhiều chị em đã tham gia vay vốn, sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ảnh : chị Lý Thị Hương đang điều khiển máy xay xát

Với sự ham học hỏi và tinh thần vượt khó vươn lên, chị đã vinh dự được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện sử dụng có hiệu quả vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015 – 2020.

2. Chị Triệu Thị Sinh, hội viên chi hội phụ nữ thôn Nà Mơ xã Khang Ninh, là tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất làm đường nông thôn mới.

Khi nói về chị Sinh, nhiều người dân trong thôn nhắc đến chị với sự quý mến, nể phục. Năm 2019, để thực hiện một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương mở tuyến đường sản xuất đoạn Nà Mơ – Nà Lênh để thuận tiện cho người dân đi lại và vận chuyển sản phẩm nông sản. Đảng ủy, chính quyền và Hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Chủ trương là đúng đắn nhưng khi thực hiện thì gặp không ít những khó khăn do 100% hộ dân trong thôn là dân tộc Dao, trình độ dân trí thấp, không đồng đều nên việc hiến đất khó thực hiện.

Riêng với gia đình chị Sinh, mặc dù diện tích đất của gia đình chị sinh không nhiều, nhưng vì lợi ích của bà con nhân dân trong thôn, chị đã bàn bạc với gia đình quyết định hiến mảnh đất mà gia đình vừa thuê máy móc san ủi để chuẩn bị làm nhà, chị đã tự nguyện hiến trên 400m2 đất  để làm đường. Hiện nay tuyến đường đã được đổ bê tông giúp cho nhân dân trong thôn đi lại dễ dàng, thuận tiện trong việc vận chuyển nông sản.

Bên cạnh đó, chị còn được biết đến là một tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập, chị mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, mô hình nuôi lợn thịt của gia đình chị mỗi năm nuôi được 02 lứa, mỗi lứa 10 con cho thu nhập khoảng 1,4 tấn lợn hơi với giá 120 triệu đồng; ngoài ra gia đình chị còn trồng thêm các loại nông sản như đỗ tương, ngô, dưa hấu mỗi năm cho thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng.Tổng thu nhập bình quân từ 120 – 150 triệu đồng/năm.

Với sự chịu khó, tìm tòi học hỏi và nỗ lực vươn lên, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo và có cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hàng năm gia đình chị đều đạt gia đình văn hóa. Năm 2019 gia đình chị vinh dự được chủ tịch UBND xã tặng giấy khen, năm 2020 được Hội LHPN huyện tặng giấy khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020.

3. Chị Ma Thị Đầm, hội viên phụ nữ chi hội Pác Ngòi, xã Nam Mẫu là gương điển hình trong phát triển dịch vụ du lịch.

Nhờ sự tìm tòi thích học hỏi và là người phụ nữ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị Đầm đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm những người làm du lịch đi trước, thường xuyên theo dõi các thông tin du lịch để nắm bắt thông tin và cập nhật kịp thời để tìm ra hướng đi trong dịch vụ du lịch, bắt kịp những nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, từ đó chị đã xây dựng mô hình dịch vụ ăn, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Mới đầu mới bắt tay vào làm chị cũng băn khoăn vì không có vốn  nên còn ngại, chưa đầu tư nhiều vào việc sửa chữa nhà cửa. Tuy nhiên với mong muốn vừa bảo tồn di sản văn hóa dân tộc tày, vừa muốn giới thiệu đến du khách gần xa, và để có thêm thu nhập cho gia đình nên chị đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư, mở kinh doanh dịch vụ Homstay. Mấy năm đầu mới kinh doanh chị chưa có nhiều khách vì chưa biết cách quảng bá về dịch vụ, ăn, nghỉ của gia đình mình. Từ khi được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn làm dịch vụ du lịch do Hội phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX chị đã mạnh dạn áp dụng và thành công. Đến nay chị đã kết nối được với công ty tổ chức các Tour du lịch trong nước nên lượng khách duy trì đều hàng tháng. Chị Đầm chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay lượng khách đến nhà chị đa số là khách nước ngoài vì gia đình chị đáp ứng được nhu cầu của khách như: không gian thoáng mát, có thể quan sát được quang cảnh thiên nhiên, lại có dịch vụ ăn, nghỉ tại chỗ…  chính vì thế thu nhập của gia đình chị đã tăng lên, hằng tháng gia đình chị có từ 10 lượt khách nước ngoài và 03 lượt khách trong nước, thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng.

Bản thân chị Đầm là một hội viên trẻ của chi hội Pác Ngòi, chị luôn chấp hành tốt điều lệ Hội, gương mẫu trong việc thực hiện phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, luôn cần cù, chịu khó, biết vươn lên trong cuộc sống, luôn sống hòa đồng trong thôn bản, gia đình hòa thuận, các con chăm ngoan học giỏi.

4.  Chị Dương Thị Đềm, hội viên chi hội phụ nữ thôn Nà Đúc, xã Địa Linh là tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình

Xuất thân từ gia đình thuần nông, đến khi xây dựng gia đình rồi sinh con, vợ chồng chị luôn chịu khó làm lụng vất vả mà cuộc sống vẫn không thoát khỏi khó khăn. Trước sự đeo bám của cái nghèo, chị đã trăn trở rất nhiều mong tìm hướng đi mới ổn định cuộc sống, vợ chồng không phải đi làm ăn xa, có thể phát triển kinh tế ngay tại quê nhà.

Với tính cần cù, chịu thương, chịu khó chị đã tìm đọc trên sách vở, báo mạng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, chị đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng bí xanh thơm và các loại rau màu khác. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây trồng này, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 0,2ha diện tích trồng lúa sang trồng bí xanh thơm, rau màu.

Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư trồng các loại cây lâu năm như: Cây mận 0,3ha, chuối tây 0,1ha cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Với 5,0ha rừng trồng chủ yếu là rừng mỡ, trúc, xoan,… hiện nay đã được khai thác góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh đó, chị còn mạnh dạn mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái và làm men nấu rượu lấy bã nuôi lợn, mỗi năm được xuất bán 02 lứa. Tổng doanh thu từ trồng bí, rau màu, chăn nuôi lợn từ 130 – 180 triệu đồng/năm.

Năm 2016 – 2019 chị vinh dự đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi và được Hội Nông dân huyện tặng giấy khen.

Với những kết quả thu nhập đạt được giúp kinh tế của gia đình chị ngày càng phát triển, chị đã vận động các gia đình khác trong thôn cùng thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng bí xanh thơm và trồng các loại rau màu khác. Đến nay nhiều gia đình trong thôn đã có thu nhập cao từ các loại rau màu này.

Đây mới chỉ là 4 trong số những gương phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua năm 2020 của huyện Ba Bể. Hy vọng, trong thời gian tới còn có nhiều tấm gương phụ nữ được phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng để phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đạt được nhiều kết quả cao hơn.

Tác giả:  Nguyễn Thị Hồng Vân

 

 

Bài trướcTổ chức tập huấn, tư vấn, hướng dẫn thành lập Hợp tác xã
Bài tiếp theoBà con nông dân trên địa bàn huyện tập gieo cấy vụ mùa năm 2020