Người giữ hồn cho làn điệu hát Then ở Ba Bể

Nặng lòng với mong muốn làn điệu hát Then truyền thống của dân tộc Tày được bảo tồn nên đã nhiều năm nay anh Mã Trung Trực ở Bản Hon xã Bành Trạch huyện Ba Bể đang sưu tầm, lưu giữ các làn điệu hát Then và đi khắp nơi truyền dạy cho thế hệ trẻ./.

Sinh  ra trong một gia đình có truyền thống về hát Then và làm đàn Tính tại xã Vi Hương huyện Bạch Thông, năm 2005 anh đến lập nghiệp và xây dựng gia đình tại xã Bành Trạch huyện Ba Bể. Anh Mã Trung Trực được nhiều người biết đến không chỉ với giọng hát mượt mà và trầm ấm với những làn điệu Then đầy nghĩa tình mà anh còn có tài làm đàn tính với kỹ thuật rất tinh xảo. Cái duyên của anh đến với các làn điệu Then Tày được ấp ủ từ lúc còn tấm bé, anh thường lén nghe và hát theo các cụ trong thôn bản biểu diễn, rồi theo các thầy cúng học lời Then cổ. Năm 11 tuổi, anh đã thuộc rất nhiều bài hát Then cũng như có thể chơi đàn tính một cách thành thạo. Yêu những làn điệu then ngay từ nhỏ, tiếng đàn Tính, lời hát Then cứ thế theo anh lớn lên từng ngày. Khi được hỏi về hát Then, đàn tính, anh Trực cho biết: Nói đến hát Then không thể nào không nhắc đến cây đàn tính. Then là điệu nhạc, là món quà của trời, đất đã trao gửi cho người Tày. Nhưng hát Then mà không có đàn tính thì như mùa xuân không có hoa đào nở, như miếng cau thiếu lá trầu xanh. Anh giải thích, đàn tính là dụng cụ để đệm khi hát Then, được làm từ ba loại vật liệu dễ tìm là quả bầu khô được cắt tiện thật khéo, gắn lên mặt cắt một mảnh ván mỏng; cần đàn làm bằng gỗ Trai  hay Thừng mực, vuốt thon một mặt phẳng và nối suôn qua bầu đàn, trên ngọn cần có thể khắc hình long, phượng, chim, thú; dây đàn được làm từ tơ tằm. Mặt đàn làm bằng gỗ cây vông…Thời gian làm đàn nếu làm thủ công thì mất khoảng 6 ngày, nếu có máy móc hỗ trợ thì khoảng 3 ngày.

Anh Mã Trung Trực chế tác đàn tính tại nhà

Cũng theo anh Trực, đối với đồng bào Tày ở vùng cao phía Bắc thì hát Then chính là tiếng “lòng” là lời ru, là món ăn tinh thần. Ngày xưa, các cụ thường trình diễn theo hình thức diễn xướng tổng hợp là vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát. Ngày nay, lời của hát Then thường hướng đến ca ngợi Đảng, Bác Hồ hoặc tình yêu đôi lứa, phong tục tập quán…Hát Then được cộng đồng người Tày ở Ba Bể tổ chức trong các dịp cầu mùa, hội làng, mừng năm mới, ngày cưới… thậm chí trong cả những lúc buồn. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện lại, tạo cho người nghe những cung bậc cảm xúc với sức lôi cuốn cao. Ngày nay, những làn điệu Then cổ vẫn được lưu giữ và được nhiều người ưa thích. Do nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân ngày càng cao nên có những làn điệu Then được đặt thêm lời mới theo âm nhạc hiện đại. Lời bài hát được đặt lời mới theo nhu cầu của người thưởng thức nhưng khi hát lên vẫn có thể nhận ra được là giai điệu của người Tày. Những bài hát then ở vùng hồ Ba Bể có giai điệu rộn ràng, vui tươi, ca ngợi vẻ đẹp đổi mới của quê hương, đất nước như bài: Đường về Bắc Kạn, Ba Bể cảnh tiên, Sự tích cây đàn tính, Bắc Kạn mình đây….

Bên cạnh làm đàn Tính, hiện nay anh Mã Trung Trực đang duy trì Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính Trung Trực do anh làm chủ nhiệm với 13 thành viên là những người cùng yêu thích hát Then đàn Tính tại nhiều địa phương trong huyện. Hiện nay số lượng người hát Then và chơi đàn Tính không còn nhiều chính vì vậy anh cùng với một số người trong thôn đang cố gắng lưu giữ và phát triển hát Then, giữ gìn loại hình nghệ thuật này bằng việc truyền dạy hát Then và làm đàn Tính cho thế hệ trẻ. Câu lạc bộ hát Then – đàn Tính tại gia đình anh đang thu hút rất nhiều các bạn trẻ, trong đó có những em nhỏ tuổi, tham gia. 

Anh Mã Trung Trực dạy hát Then cho các em thiếu nhi

Hơn ai hết, anh hiểu hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một đi. Chính vì thế, ngoài những chuyến lưu diễn, giao lưu với các tỉnh bạn, anh dành phần lớn thời gian cho việc dạy hát Then cho các lớp mở tại nhà và đến các địa phương ở trong, ngoài huyện để dạy hát Then khi có yêu cầu. Trong các loại hình nghệ thuật, hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày là một trong những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc đã và đang được quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Chắc chắn, với sự đóng góp công sức của anh Mã Trung Trực, nét đẹp văn hóa về hát Then và chơi đàn Tính sẽ được giữ gìn và phát triển.

Bài trướcĐoàn thanh niên công an huyện Ba Bể: Tích cực thu gom rác bảo vệ môi trường hồ Ba Bể
Bài tiếp theoHội Nông dân Ba Bể sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017