Nét đẹp nghề làm hương ngày tết của người Tày xã Địa Linh, huyện Ba Bể

Tục đốt hương từ lâu đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Tết. Giờ đây, cây hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập không nhỏ cho các hộ gia đình xã Địa Linh, huyện Ba Bể còn giữ lại nghề truyền thống này, nhất là trong những ngày Tết đến xuân về.

  Vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng  làm hương của bà con xã Địa Linh tăng lên gấp 4 – 5 lần

Hiện toàn xã Địa Linh có khoảng 50 hộ làm hương thường xuyên, chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi. Vào những ngày lễ, tết thì số gia đình làm hương tăng lên gấp nhiều lần.

Gia đình bà Sằm Thị Đình là một trong hộ làm hương truyền thống của xã. Năm nay, bà đã 75 tuổi, hơn 50 năm qua, bà Đình vẫn gìn giữ và nối tiếp nghề làm hương Tày cho các con cháu, bà cho biết: Trong ngôi nhà có 4 thế hệ này, nghề làm hương Tày vẫn tiếp tục được nối truyền. Đặc biệt, vào mỗi dịp có phiên chợ và những ngày lễ, tết, cả gia đình bà lại cùng nhau làm hương. Sản phẩm hương của gia đình được người dân trong và ngoài huyện rất ưa chuộng. Mỗi chợ phiên, gia đình bà làm khoảng 50 đến 80 bó bán với giá 3.000 đồng/bó. Còn vào dịp tết Nguyên đán, số lượng hương phải tăng lên gấp 4 – 5 lần. Nhờ làm hương, mỗi năm, gia đình bà thu nhập đến vài chục triệu đồng.

Chia sẻ những kinh nghiệm của nghề làm hương Tày, các hộ gia đình ở đây cho biết, nguyên liệu làm hương rất đơn giản, bà con không phải mua, chỉ bỏ công sức đi tìm và chủ yếu từ các loại thảo mộc có sẵn trên rừng như: Chất keo kết dính được chiết xuất từ một loại lá cây có trong vườn nhà, bột gỗ mục, bột tạo hương thơm được bà con lựa từ rừng mang về phơi và cán bột cho mịn; tăm hương được chẻ từ những thân mai 1 năm tuổi. Mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ít tiền mua thuốc nhuộm tăm hương. Trong quá trình làm hương, điều quan trọng nhất là người làm hương cần có sự tinh tế, khéo léo trong cách pha chế, nếu sai lệch dù là nhỏ sẽ tạo ra mùi thơm không như ý muốn. Hương sau khi làm, phơi khô từ 1 – 2 ngày là có thể đem bán. Sản phẩm ra đời khi đốt sẽ cháy đều, cháy âm ỉ, không tắt giữa chừng và tạo hương thơm là sản phẩm đạt yêu cầu.

So với nhiều loại hương bán trên thị trường, hương của người Tày xã Địa Linh được người dân địa phương ưa chuộng hơn vì có hương thơm tự nhiên và thời gian cháy lâu hơn các loại hương khác.

Ông Hoàng Văn Đồng – Bí thư Đảng uỷ xã Địa Linh, huyện Ba Bể cho biết: Trong những năm gần đây, mặc dù nghề làm hương Tày ở xã Địa Linh có dấu hiệu bị mai một, nhưng chính quyền địa phương và người dân đã quyết tâm khôi phục lại và tiếp tục phát triển cho đến tận ngày nay.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tới hôm nay đã có rất nhiều những làng nghề đã mai một, nhưng đối với người Tày ở xã Địa Linh, nghề làm hương vẫn như sống mãi với thời gian. Với người dân nơi đây, hương không chỉ là sản phẩm hàng hóa mà còn là sản phẩm tinh thần không thể thiếu và là nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn, phát huy./.

Bài trướcBa Bể: Hội Nông dân triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013
Bài tiếp theoPhó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thăm, tặng quà các hộ nghèo tại huyện Ba Bể