Ngoài tiềm năng về du lịch, Ba Bể còn được biết đến là địa phương có thế mạnh về trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây bí xanh thơm. Trong những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp cụ thể nhằm nâng tầm giá trị của loại cây này với mục tiêu mang lại thu nhập ổn định cho người trồng.
Ảnh: Người dân thu hoạch Bí xanh thơm
Địa Linh là một trong những xã có diện tích trồng cây bí xanh thơm lớn nhất của huyện Ba Bể. Để duy trì và phát triển loại cây này, những năm gần đây, bên cạnh việc trồng và chăm sóc theo cách truyền thống, bà con nông dân còn được tham gia các lớp tập huấn để áp dụng vào sản xuất, từ đó phần lớn các hộ gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc cây bí xanh thơm, đặc biệt là việc sử dụng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh đến bón cho cây, vì thế năng suất bí xanh không những tăng cao mà còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Người dân xã Địa Linh nói: (Năm nay so với năm ngoái thì thấp hơn nhưng mà đầu vụ thì được giá nhiều hơn).
Từ chỗ chỉ trồng manh mún, nhỏ lẻ, đến nay cây bí xanh đã được phát triển mạnh tại huyện Ba Bể, không chỉ được trồng tại các xã Địa Linh, Yến Dương, nay còn được mở rộng sang các xã lân cận có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng là Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu. Nếu như năm 2020 toàn huyện trồng được 76 ha thì đến năm 2023 này đã tăng lên hơn 180 ha. Diện tích trồng bí tăng nhanh, người dân ứng dụng kỹ thuật vào canh tác, đầu tư thâm canh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên sản lượng, mẫu mã và chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Minh chứng là đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Hải Phòng đã ký kết ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm với các hợp tác xã trên địa bàn huyện Ba Bể. Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: (Trong năm nay HTX Yến Dương mời lên 6 đối tác và cũng là trực tiếp được ký Hợp đồng và mong muốn rằng qua Lễ hội lần này HTX cũng như HTX khác sẽ được quan tâm, kết nối ký kết và giao thương cùng các đối tác và nhà phân phối).
Xác định cây bí xanh thơm là cây trồng mũi nhọn kinh tế tại địa phương, huyện Ba Bể đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển sản xuất một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây bí xanh thơm đạt trên 200 ha; huyện sẽ xây dựng mô hình thâm canh tăng vụ trồng bí xanh thơm với quy mô 10 ha tại xã Yến Dương và Địa Linh, mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống bí thơm với quy mô 1 ha tại xã Yến Dương. Bên cạnh đó, huyện cũng đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng giống bí xanh thơm Ba Bể, trong đó quy định rõ các điều kiện về sản xuất giống, buôn bán giống bí xanh thơm, quy định về thông tin ghi nhãn, quy định truy xuất nguồn gốc giống…Việc ban hành quy chế đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ thương hiệu bí xanh thơm Ba Bể trên thị trường. Ông Trung Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: (Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn lực thuộc Chương trình MTQG để: thứ nhất hỗ trợ HTX cũng như người nông dân trong việc bảo tồn giống Bí đặc hữu cũng như phát triển theo hướng tiêu chuẩn của hữu cơ và tổ chức các sự kiện như Hội nghị xúc tiến để kết nối giữa người tiêu dùng, giữa những doanh nghiệp bán lẻ với người nông dân để có sự liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo đầu ra ổn định cho cây Bí xanh thơm của huyện Ba Bể).
Hiện nay, cây bí xanh thơm đã và đang được huyện Ba Bể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, so cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ, bí xanh thơm Bắc Kạn đang được tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý. Đây là nền tảng để sản phẩm tiếp tục vươn xa và phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Tác giả: Thuỳ Châm
Nguồn tin: Trung tâm VHTT&TT