Khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi lợn

Với khát vọng và quyết tâm làm giàu, chị Đinh Tuyết Nhung ở thôn Khuổi Luổm xã Yến Dương huyện Ba Bể đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Nhung cũng là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương./.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Ninh Bình, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên, chị Nhung đã về quê chồng xã Yến Dương huyện Ba Bể xây dựng gia đình và lập nghiệp nơi đây. Sau nhiều suy nghĩ trăn trở, năm 2015, chị đã bàn bạc với chồng chọn phát triển chăn nuôi lợn để bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Nghĩ và làm, chị đã mạnh dạn vay 100 triệu của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cùng số vốn tích cóp của gia đình hỗ trợ để đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín và mua con giống. Với kiến thức tự học và sự học hỏi từ kinh nghiệm của gia đình bên ngoại vốn có truyền thống nuôi lợn nhiều năm, chị đã xây dựng hai khu, một khu để nuôi lợn nái sinh sản, một khu để nuôi lợn thịt theo quy chuẩn hiện đại. Ban đầu chị đã lựa chọn 30 con giống lợn siêu nạc khỏe mạnh có tỷ lệ sinh sản cao của Công ty cổ phần Thái Lan để chăn nuôi theo chuỗi thực phẩm sạch khép kín. Sau khi xuất chuồng lứa lợn đầu tiên, thấy hiệu quả mang lại khá rõ rệt, chị tiếp tục tăng đàn. Khi lợn sinh sản, chị tiếp tục gây nuôi thành lợn thương phẩm.

Khu trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nhung

 Chị Nhung chia sẻ: Chăn nuôi theo chuỗi thực phẩm sạch khép kín có ưu điểm lợn lớn nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp và tỷ lệ nạc cao hợp với thị trường bây giờ nên đầu ra tương đối ổn định và giá thành lại cao. Chị cũng chia sẻ thêm, để đàn lợn, nhất là lợn nái khỏe mạnh và phát triển tốt, cần được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin để phòng bệnh. Trung bình mỗi tuần một lần chị phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại. Đồng thời định kỳ mỗi tháng hai lần chị phun thuốc khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh.

Để có nguồn thức ăn đảm bảo, chị lựa chọn hãng thức ăn gia súc có uy tín và tận dụng nguồn phụ phẩm như bã rượu, ngô, sắn, quả chuối tây sạch tại địa phương để ủ men làm thức ăn xanh cho lợn. Nhờ vậy mà các chuồng nuôi của gia đình chị luôn phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm của gia đình chị luôn tăng trưởng, phát triển tốt và bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng. Hiện tại, khu chuồng trại của chị luôn duy trì từ 22 – 25 con lợn nái, tổng cả lợn con, lợn thịt lên đến gần 200 con.  Mỗi lứa trang trại của chị cho xuất chuồng từ 1,5 – 3 tấn lợn thịt, trừ mọi chi phí chăn nuôi, mỗi năm  thu về trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn cung cấp lợn giống cho nhiều hộ chăn nuôi ở các xã và các huyện lân cận. Những thành công đó đã tạo động lực để chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cũng như kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phân lợn thải ra, chị đã xây dựng hầm khí biogas. Bằng phương thức này, chị vừa tận dụng khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa hạn chế dịch bệnh có thể gây hại cho đàn lợn. Với sự kiên trì, dám nghĩ dám làm, chị Nhung đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị còn là người có nhiều đóng góp trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn hiệu quả ở địa phương. Chị đã giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng lợn giống và kinh nghiệm chăn nuôi.

Đàn lợn thịt được chị Nhung nuôi theo chuỗi thực phẩm sạch khép kín nên phát triển rất tốt.

Chia sẻ về định hướng  phát triển mô hình, chị Nhung cho biết: Thời gian tới, chị tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, nuôi thêm giun quế từ chất thải chăn nuôi để bổ sung lượng đạm trong thức ăn , con giun sẽ xử lý phân thải và bảo vệ môi trường rất tốt. Cùng với đó, phân của giun quế chị dùng để trồng rau sạch theo mô hình rau sạch an toàn để tăng thêm nguồn thu của gia đình.

Tháng 10 vừa qua, chị Nhung vinh dự đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo của thanh niên trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Đoàn thanh niên Bộ NN & PTNT phối hợp với  tỉnh đoàn Bắc Kạn phát động. Với giải thưởng trên chị được tổ chức FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) hỗ trợ không hoàn lại 90 triệu đồng để mở rộng mô hình. Đây chính là nguồn động lực để chị phấn đấu hơn nữa trên con đường khởi nghiệp làm giàu của mình. Với những thành công ban đầu, chị Đinh Tuyết Nhung xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên dám nghĩ, dám làm, năng động, một điển hình tiên tiến của thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.

Bài trướcĐồng chí Lưu Quốc Trung – Phó chủ tịch UBND huyện dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn Bản Hon
Bài tiếp theoBa Bể hoàn thành công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự 2018