Hội thảo khoa học chăn nuôi giống lợn địa phương và giống gà của đồng bào Mông tại Bắc Kạn

Sáng 23/11, tại xã Khang Ninh (Ba Bể), Sở Khoa học Công nghệ đã phối hợp cùng Viện nghiên cứu Khoa học sự sống (Đại học Thái Nguyên) tổ chức hội thảo khoa học phát triển chăn nuôi lợn địa phương theo hướng đặc sản và chăn nuôi gà của đồng bào Mông Bắc Kạn.

Tham dự có lãnh đạo hai đơn vị; thường trực UBND huyện Ba Bể cùng cán bộ khuyến nông, thú y, các hộ tham gia dự án của các huyện Ba Bể, Ngân Sơn và Pác Nặm.

 

 

Đề tài khoa học Mở rộng mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương và Chọn lọc và xây dựng mô hình chăn nuôi giống gà của đồng bào Mông do Viện Khoa học sự sống tiến hành từ năm 2011 tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn. Đến nay, dự án đã chuyển giao công nghệ chăn nuôi lợn địa phương quy mô nông hộ và trang trại; xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn địa phương tại Trạm nghiên cứu Đồn Đèn (Ba Bể) với quy mô 30 lợn nái địa phương và 6 lợn đực giống; 27 mỗi mô hình nuôi từ 2- 3 con lợn nái, hai hộ nuôi 01 lợn giống; mỗi năm xuất bán từ 20- 22 lợn thịt với trọng lượng 25- 30kg/con; 3 mô hình trang trại quy mô nhỏ nuôi 8- 10 lợn nái và 01- 2 lợn đực giống, hàng năm xuất bán 80- 100 lợn thịt, trọng lượng 25- 30kg/con.

 

Các đại biểu tham quan một mô hình chăn nuôi lợn địa phương tại xã Khang Ninh, Ba Bể.

Dự án chọn lọc gà của đồng bào Mông đã lựa chọn được 58 hộ dân tham gia mô hình trong đó huyện Ngân Sơn 20 hộ, Ba Bể 19 hộ, Pác Nặm 19 hộ. Các cán bộ kỹ thuật đã tổ chức tập huấn kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc gà cho các hộ dân; tuyển chọn được 1.276 con gà giống gồm 1.160 gà mái và 116 gà trống. Đàn gà sau khi giao cho các hộ tham gia dự án sinh trưởng phát triển bình thường đến nay đã đẻ trứng. Các hộ dân đã cho một số gà mái ấp được hơn 11.600 gà Mông con. Ngoài ra, các hộ còn cung cấp trứng cho các hộ dân ngoài mô hình để phát triển chăn nuôi.

 Qua đánh giá, hai dự án đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt thể hiện qua sự phù hợp tập quán chăn nuôi cũng như giống chăn nuôi và giá bán cao. Có thể kể rác hộ điển hình như Hoàng Văn Cừ, thôn Nà Giảo, xã Thượng Quan (Ngân Sơn); Bế Cao Thuyết, thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh (Ba Bể); Hoàng Văn Cảnh, thôn Nà Phẩn, xã Bộc Bố (Pác Nặm)… Các hộ tham gia đều thể hiện quyết tâm duy trì, nhân rộng các mô hình sau khi dự án kết thúc. 

 Hội thảo đã thống nhất hai dự án đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra; mở ra một hướng phát triển kinh tế chăn nuôi phù hợp với địa phương. Trong thời gian tới, các cấp ngành và huyện, thị cần tiếp tục duy trì để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu của hai dự án góp phần xóa đói giảm nghèo hướng tới làm giàu cho nông hộ. Trước đó, các đại biểu đã tới tham quan mô hình chăn nuôi gà đồng bào Mông và lợn địa phương tại một số hộ trên địa bàn xã Khang Ninh./.

Bài trướcBa Bể: Phấn đấu xây dựng 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015
Bài tiếp theoĐồng chí Lê Hồng Anh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm cơ sở chế biến dong riềng Hoàng Giang