Hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại huyện Ba Bể

Ngày 08/11/2012, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) và Cục bảo vệ thực vật phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại huyện Ba Bể. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật; các chuyên gia của Viện cây lương thực – cây thực phẩm; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn; chính quyền địa phương cùng các hộ nông dân thực hiện mô hình.

Hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại huyện Ba Bể

    Trong vụ mùa năm 2012, mô hình sản xuất lúa SRI được triển khai thực hiện tại 17 hộ nông dân ở thôn Bản Ngù, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể với tổng diện tích thực hiện 1,4ha. Các loại giống thử nghiệm và thực hiện đối chứng là Khang dân 18, Gạo đỏ ĐTL2, CH16, Bao thai.

Trong quá trình thực hiện mô hình, các khâu kỹ thuật của chương trình đều được các hộ dân làm theo hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI. Đặc biệt là trong khâu tuân thủ cấy mạ non, bà con thực hiện chỉ cấy 1 dảnh thưa, mật độ khoảng 30 cây/m2, kết hợp cùng với công tác quản lý nước trên ruộng hợp lý.  

 Sau thời gian thực hiện, qua khảo sát, tiến hành thực nghiệm đánh giá trên đồng ruộng và tại hội thảo cho thấy: Hiệu quả của mô hình SRI đã giúp nông dân tiết kiệm được 50% – 70% lượng thóc giống; giảm khoảng 40% – 50% lượng nước đưa vào ruộng so với phương pháp canh tác truyền thống. Ngoài ra, lượng phân bón sử dụng trong mô hình SRI giảm khoảng 500.000 đồng/1.000m2 và thuốc bảo vệ thực vật giảm trên 80%. Từ đó đã hạn chế đáng kể việc ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe trong sản xuất của nông dân. Năng suất lúa của mô hình SRI đạt khoảng 58 – 62tạ/ha.

Các giống lúa lai tại hội thảo

 Đây là vụ lúa đầu tiên dự án được triển khai trên địa bàn huyện Ba Bể. Mô hình này góp phần giúp nông dân tiếp cận các quy trình sản xuất thích nghi với điều kiện thời tiết do biến đổi khí hậu như khô hạn và chống sâu bệnh hại. Từ hiệu quả bước đầu của chương trình thâm canh lúa cải tiến SRI mang lại, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm ở những năm tiếp theo và nhân rộng mô hình để người dân trên địa bàn toàn huyện hiểu và mạnh dạn áp dụng các phương pháp mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất và sản lượng lúa trong quá trình sản xuất./.

Bài trướcBa Bể: Khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2012 – 2013
Bài tiếp theoKết quả Ngày Hội hiến máu tình nguyện tại Ba Bể