Là một trong những hộ có diện tích trồng chè khá lớn với gần 1ha chè đang cho thu hoạch, gia đình anh Dương Văn Lương ở thôn Thạch Ngoã 2 xã Mỹ Phương hàng ngày phải cùng gia đình thường xuyên đi thu hái để đảm bảo giá trị năng suất và chất lượng chè. Nếu như trước kia, gia đình anh phải vất vả chế biến chè bằng phương pháp thủ công như sao tay, sấy bằng chảo với số lượng ít, thì đến nay, việc chế biến chè đã đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều nhờ có bộ công cụ chế biến chè của xã hỗ trợ từ chương trình 135 của Chính Phủ.
Năm 2009, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình 135 xã Mỹ Phương đã đầu tư hỗ trợ 10 bộ công cụ chế biến chè cho các nhóm hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số còn khó khăn để sơ chế biến chè tươi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng chè. Trung bình mỗi nhóm có từ 8- 10 hộ trồng chè được hưởng lợi từ chương trình. Đến nay sau gần 5 năm triển khai thực hiện. hiệu quả rõ nét đã giúp bà con thuận tiện trong khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè sạch của địa phương.
Ông Sằm Văn Kinh – Bí thư – Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương huyện Ba Bể cho biết: Hiện nay xã Mỹ Phương có trên 500 ha chè, là một trong những địa phương có diện tích chè nguyên liệu lớn nhất huyện. Xác đinh đây là cây trồng thế mạnh để xoá đói giảm nghèo cho người dân, xã đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển cây chè như cải tạo tập đoàn giống chè tại địa phương, xây dựng các mô hình chè chất lượng cao, hỗ trợ giống, kỹ thuật, máy móc để người dân phát triển kinh tế từ cây chè. Nhờ đó người dân đã chủ động hơn trong sản xuất , từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thực tế cho thấy, xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp đang hướng đến quy mô hàng hóa tập trung. Điều này, đòi hỏi các khâu sản xuất phải từng bước được cơ giới hóa. Chương trình hỗ trợ máy chế biến chè cho người dân đang tạo bước phát triển mới giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn đem lại hiệu quả thiết thực giúp người nông dân phát triển sản xuất gắn liền với tiến bộ khoa học kỹ thuật đẩy nhanh lộ trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.