Chuyển đổi số ở Ba Bể: Những kết quả bước đầu

Thời gian qua, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số luôn được huyện Ba Bể chú trọng thực hiện. Huyện thường xuyên quan tâm, bố trí đa dạng nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ từ huyện tới cơ sở, nhờ đó đến nay hoạt động chuyển đổi số của địa phương bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Ba Bể giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN

Xác định công vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện, UBND các xã, thị trấn làm công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, tập trung tại tuyến đường trung tâm huyện và các xã, thị trấn. Tăng cường viết các tin, bài, chuyên trang, chuyên mục và tiếp âm, phát lại chương trình của Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện tuyên truyền về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cấp xã; tổ chức tuyên truyền các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Để đảm bảo nhân lực phụ trách công tác chuyển đổi số của địa phương, UBND huyện bố trí 02 công chức phụ trách CNTT, 01 công chức tại Phòng VH&TT huyện, 01 công chức tại Văn phòng HĐND&UBND huyện làm cán bộ đầu mối về công tác chuyển đổi số. 100% xã, thị trấn phân công lãnh đạo UBND phụ trách công tác xây dựng chính quyền điện tử và công chức Văn phòng – Thống kê là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin. Huyện cũng cử 7 công chức tham gia vào khóa học trực tuyến về nâng cao nhận thức an toàn trên không gian số, đến nay đã hoàn thành khóa học.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn huyện Ba Bể bước đầu được quan tâm đầu tư và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức trong việc giải quyết, xử lý công việc; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ, thời gian quy định.

Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác cũng như hoạt động giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm đến việc chỉ đạo ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ gắn với CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian, công  khai, minh bạch trong giải quyết TTHC. Đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức (không tính viên chức giáo dục) UBND huyện và UBND xã, thị trấn được trang bị máy tính có kết nối mạng; 100% văn bản được phân công xử lý, trao đổi, duyệt, ký, ban hành trên phần mềm (trừ văn  bản mật).

Hiện nay, tổng số TTHC đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện là 264, trong đó số TTHC đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 212 thủ tục (cấp huyện 150, cấp xã 62); số TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần 52 thủ tục, (cấp huyện 39, cấp xã 13). Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã tiếp nhận 1.282 hồ sơ giải quyết TTHC cả trực tuyến và trực tiếp, trong đó cấp huyện 326 hồ sơ, cấp xã là 956 hồ sơ. Tổng số hồ sơ phát sinh trực tuyến từ ngày 16/12/2023 – 15/3/1024 là 276/1.282 hồ sơ, đạt tỷ lệ 21,5%, trong đó cấp huyện 95/326 hồ sơ, đạt tỷ lệ 29,1%; cấp xã, thị trấn là 181/956 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 19,4%… Thanh toán trực tuyến đã được các đơn vị triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến đến thời điểm hiện nay 33hồ sơ, với tổng số tiền là 1,518,000đ.

Công chức xã Bành Trạch, huyện Ba Bể giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Trong lĩnh vực kinh tế số, huyện tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền du lịch trên địa bàn trên Cổng du lịch và ứng dụng du lịch thông minh. Các hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ, hướng dẫn, đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso.vn; Postmart.vn…

Hội nông dân huyện phối hợp với chi nhanh VNPT Ba Bể triển khai cài đặt ứng dụng giúp cán bộ, hội viên nông dân nắm bắt được các chính sách, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả trong hoạt động của Hội Nông dân, tư vấn pháp luật, chính sách vay vốn cho hội viên nông dân, trao đổi thông tin với nhau, chia sẻ các nội dung đa phương tiện dưới dạng hình ảnh, video, các định dạng tài liệu, hỗ trợ hội viên nông dân trong công tác thu thập ý kiến, tiếp nhận các đóng góp, phản hồi của hội viên, thanh toán trực tuyến trên App, dự báo thời tiết và khuyến cáo nông vụ chính xác, tìm các sản phẩm OCOP, cộng tác viên bán hàng, mua sắm; giúp cho việc quản lý hội viên mà không cần giấy tờ thủ tục phức tạp; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong triển khai thực hiện chuyển đổi số…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ba Bể cũng nhận thấy có những khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số như: Nhận thức của một số ít bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về Chuyển đổi số còn chưa được đầy đủ. Trình độ cán bộ, công chức làm công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ thông tin dẫn đến việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành còn hạn chế. Chưa có nhân lực được đào tạo chuyên sâu về an toàn thông tin, an ninh mạng nên khó khăn trong việc theo dõi, phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ mất an toàn thông tin, an ninh mạng. Hạ tầng mạng internet ở một số địa bàn còn chậm, không ổn định. Nhiều người dân còn thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC, đồng thời còn tâm lý e dè, lo ngại khi cài đặt, sử dụng các ứng dụng, phần mềm mới…

Theo đồng chí Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể: Để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số năm 2024, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về Chuyển đổi số và xây dựng “Công dân điện tử”. Phổ biến đến người dân về các ứng dụng “một cửa điện tử”, dịch vụ công trực tuyến để nâng cao hiệu suất khai thác, sử dụng. Triển khai các biện pháp bảo đảm toàn toàn, an ninh thông tin, trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước. Tập huấn các nội dung về chuyển số cho tổ chuyển đổi số cộng đồng để triển khai có hiệu quả ở cơ sở. Bố trí nguồn kinh phí tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở một số địa phương, đơn vị…/.

T/h: Dương Hiểu

 

 

Bài trướcThông báo về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phí tham quan danh lam thắng cảnh, dịch vụ xuồng vận chuyển khách tại bến thủy nội địa Pác Ngòi, xã Nam Mẫu
Bài tiếp theoCTPT ngày 11 tháng 4