Các di tích lịch sử cách mạng Tổng Luyên thuộc thị trấn Chợ Rã, Pù Cút xã Quảng Khê, Bản Chán xã Đồng Phúc là những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua trên chặng đường Người rời Pác Bó (Cao Bằng) đi theo con đường Nam tiến về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo trước cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
1. Các di tích lịch sử cách mạng: Tổng Luyên (thị trấn Chợ Rã), Pù Cút (Quảng Khê), Bản Chán (Đồng Phúc).
Di tích lịch sử cách mạng Tổng Luyên (thị trấn Chợ Rã)
Di tích lịch sử cách mạng Tổng Luyên là nơi Bác Hồ đã dự buổi mít tinh gặp mặt cán bộ, chiến sỹ và đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể để huấn thị và nêu cao tinh thần yêu nước cách mạng trước cách mạng Tháng Tám 1945.
Tổng Luyên là tên gọi của nhân dân địa phương có từ xã xưa lưu truyền lại. Tổng Luyên có nghĩa là cánh đồng rộng lớn. Di tích lịch sử Tổng Luyên thuộc thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Dưới thời Pháp thuộc, khu vực này thuộc tổng Thượng Giáo, gồm 5 xã: Thượng Giáo, Nghiên Loan, Địa Linh, Cao Trĩ và thị trấn Chợ Rã.
Đến châu Chợ Rã vào buổi chiều tối, Bác Hồ cùng đoàn công tác dừng chân nghỉ qua đêm tại bản Pẹc Pàn. Buổi tối hôm đó, tại Tổng Luyên (lúc ấy là sân vận đông cũ của thực dân Pháp để lại) cách Pẹc Pàn khoảng 100m, Bác đã dự buổi mít tinh gặp mặt các cán bộ chiến sỹ, lực lượng vũ trang và đồng bào dân tộc huyện lỵ. Người khen ngợi cán bộ chiến sỹ, đồng bào đã nêu cao được tinh thần đoàn kết, đấu tranh sớm giành được chính quyền về tay nhân dân và sự có mặt của Bác Hồ lúc này chính là nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với cán bộ và lực lượng vũ trang Chợ Rã vững bước tiến lên trong công cuộc xây dựng bảo vệ thành quả của cách mạng.
Đến sau năm 1945, khu vực này thuộc xã Thượng Giáo, tháng 8/2000 chuyển giao về thị trấn quản lý. Hiện nay, di tích lịch sử Tổng Luyên thuộc Tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Di tích lịch sử cách mạng Pù Cút, xã Quảng Khê:
Di tích lịch sử Pù Cút là nơi Bác Hồ đã dừng chân nghỉ trưa trên đường hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang).
Pù Cút là tên gọi của nhân dân địa phương, có nghĩa là đồi cụt, bởi quả đồi này nằm lọt bên sườn 2 dãy núi, nên nhân dân địa phương đặt tên là Pù Cút. Di tích lịch sử Pù Cút nằm tại địa phận xã Quảng Khê huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Đi từ thị trấn Chợ Rã vào đến điểm di tích khoảng 28km và có thể đi bằng phương tiện ô tô hay xe máy.
Pù Cút là nơi Người rời thị trấn Chợ Rã tiếp tục hành trình, trên đường đi đến xóm Pác Phai lên đèo Cáng Lò về phía Tây Nam của dãy núi Phjia Bjoóc. Đến trưa, Người cùng đoàn dừng chân tại Pù Cút. Nơi đây đã trở thành địa điểm di tích ghi dấu sự kiện nơi Bác Hồ dừng chân. Hiện nay, tại điểm di tích còn một phiên đá to, nơi Bác Hồ ngồi nghỉ.
Di tích lịch sử Bản Chán xã Đồng Phúc
Di tích lịch sử Bản Chán (Đồng Phúc) là nơi Bác Hồ và đoàn bộ đội cách mạng dừng chân nghỉ đêm trong quá trình hành quân từ Pác Bó đến Tân Trào để chỉ đạo cuộc cách mạng.
Bản Chán là tên gọi có từ xa xưa truyền lại và không ai còn rõ nguồn gốc. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ đêm và gặp gỡ nói chuyện với bà con nhân dân địa phương trên chặng đường từ Quảng Khê sang Đồng Phúc.
Di tích lưu giữ giá trị về mặt lịch sử văn hóa tinh thần của người dân và là bằng chứng xác thực để ghi lại sự kiện dấu ấn tốt đẹp trong tâm trí của bà con dân tộc nơi đây.
Hiện nay, tại điểm di tích chỉ còn lại nền nhà cũ nơi Bác Hồ và đoàn công tác nghỉ và đã được thay thế bằng một ngôi nhà khác.
Để đến được di tích Bản Chán, chúng ta có thể đi bằng phương tiện ô tô hoặc xe máy. Di tích cách thị trấn Chợ Rã khoảng 32,5km.
2. Di tích lịch sử cách mạng Lủng Cháng, xã Hà Hiệu:
Lủng Cháng là cơ sở cách mạng được các đồng chí trong Ban xung phong Nam Tiến gây dựng từ những năm 1942 – 1943. Trong đó có sự góp mặt của một số đồng chí như: Đồng chí Bàn Văn Hoan, người con ưu tú của núi rừng Hà Hiệu; đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc cùng nhiều đồng chí khác trong những năm tháng hoạt động cách mạng Tháng Tám đã từng đến ở, hoạt động tại điểm này.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với cán bộ của tổ chức, xây dựng con đường Nam Tiến trong những năm hoạt động bí mật để vận động, tuyên truyền cách mạng cho người dân. Nơi đây, trong thời kỳ 1942 – 1945 là cơ sở cách mạng được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, quân đội đến ở và hoạt động cách mạng.
Lủng Cháng hiện nay là một bản định cư của người Dao ở trên núi cao của xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể. Trước năm 1945 bản Lủng Cháng chỉ có 5 nóc nhà, trong đó có một hộ người Nùng và 4 hộ người Dao. Di tích là toàn bộ khu nền nhà cũ của gia đình đồng chí Bàn Văn Hoan khoảng 300m2. Cạnh góc nền nhà phía tây có cây vải và một cây móc cổ thụ hàng năm vẫn nở hoa, đơm trái.
Để đến điểm di tích Lủng Cháng, từ thị trấn Chợ Rã theo đường Quốc lộ 279 đi về xã Hà Hiệu, từ đây còn khoảng 6km là đến điểm di tích.
3. Di tích lịch sử Đon Pán, xã Cao Thượng
Đon Pán là di tích lịch sử kháng chiến. Hiện nay, di tích nằm ở trên đồi đối diện UBND xã Cao Thượng, cách khoảng 1km. Bên dưới chân đồi là ruộng và nương rẫy của nhân dân địa phương. Di tích nằm trên bãi đất bằng của đồi Đon Pán. Theo nhân dân địa phương, đây là quả đồi rậm rạp, hoang vu nằm tại Khuổi Tỗu, Xã Cao Thượng huyện Ba Bể. Từ thị trấn Chợ Rã đi theo đường 279 đến điểm di tích khoảng 22km.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các cơ quan đầu não của ta đã lần lượt rời thu đô chuyển về căn cứ địa Việt Bắc để hoạt động. Trong thời gian này, huyện Chợ Rã (Ba Bể ngày nay) đã trở thành một trong những điểm của tỉnh thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giúp đỡ và bảo vệ các cơ quan trung ương chuyển đến, trong đó có Đài tiếng nói Việt Nam.
Năm 1947, Đài tiếng nói Việt Nam được chuyển đến lắp đặt tại bản Vài, xã Khang Ninh và đây là điểm đầu tiên của Đài đóng tại huyện Ba Bể. Ngày 17/10/1947, Pháp tấn công vào Chợ Rã, Đài chuyển sang Đon Pán trên một quả đồi rừng cây rậm rạp, không có nhà cửa. Trụ sở này được gọi là khu Lý Thường Kiệt, gồm 02 bộ phận chính (bộ phận thông tin và bộ phận sửa chữa) và dựng thành 3 lán. Đài tiếng nói Việt Nam đặt trụ sở và hoạt động ở Đon Pán được 7 tháng thì bị thực dân Pháp xác định được vị trí nên phải chuyển sang địa điểm khác.
Hiện nay, tại điểm di tích không còn hiện vật gì, chỉ có cây đa cổ thụ làm căn cứ để xác định vị trí khu đặt trụ sở của Đài tiếng nói Việt Nam./.