Bài toán đầu ra cho củ dong giềng ở Ba Bể

Hiện nay bà con nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể đang tiến hành thu hoạch củ dong, thế nhưng do giá thu mua củ dong đang tiếp tục xuống rất thấp khiến cho người trồng dong gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vấn đề đầu ra cho củ dong đã và đang là bài toán cho chính quyền và ngành chức năng.

 

HTX sơ chế dong giềng Thành Vinh xã Yến Dương đang sơ chế củ dong giềng

 

  Thấy hiệu quả đem lại từ vụ dong giềng năm 2012, năm 2013 gia đình anh Nông Văn Tính ở thôn Nà Giảo xã Yến Dương huyện Ba Bể đã dành hơn 4000m2 ruộng cấy lúa để trồng dong giềng với hy vọng sẽ có một khoản thu đáng kể từ vụ dong giềng năm nay. Anh Tính cho biết với năng suất củ dong đạt khoảng 7 tấn củ/1000m2  thì vụ dong năm nay gia đình anh sẽ thu hoạch khoảng 28 tấn củ. Tuy nhiên đến thời điểm này, gia đình mới đang bắt đầu thu hoạch củ nhưng giá bán rất thấp chỉ đạt 700 – 800 đồng/kg, nếu trừ chi phí sau thu hoạch sẽ không có lãi nên gia đình anh đã chủ động mua máy sơ chế thủ công tại nhà để mong thu được hiệu quả cao hơn.

Năm 2013, xã Yến Dương là địa phương có diện tích trồng dong giềng lớn nhất huyện Ba Bể với diện tích lên đến 170ha. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân địa phương mới thu hoạch được khoảng 10% diện tích dong riềng. Nguyên nhân là do giá thu mua củ dong quá thấp nên người dân muốn chờ đến khi giá tăng lên rồi mới bán. Hiện tại, giá dong giềng chỉ dao động từ 700 – 800 đồng/kg, thấp bằng một nửa so với giá thu mua của năm trước. Ông Ma Thế Hanh – Bí thư Đảng ủy xã Yến Dương cho biết: Hiện nay việc tiêu thụ củ dong cho bà con rất khó khăn nên xã mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa để giúp bà con tìm đầu ra cho sản phẩm dong giềng.

Vụ dong riềng năm nay, huyện Ba Bể trồng được hơn 770ha với sản lượng củ ước đạt khoảng 52.000 tấn.  Theo thống kê của các phòng chuyên môn thì hiện nay huyện Ba Bể có 9 Hợp tác xã và khoảng 60 điểm hộ gia đình tự sơ chế bột dong giềng. Theo đó thì khả năng các cơ sở địa phương sẽ thu mua sơ chế được khoảng 248ha, số diện tích còn lại phải tìm đầu ra là khoảng 522ha, sản lượng củ ước khoảng 31.000 tấn. Theo dự kiến và kế hoạch tiêu thụ của huyện thì số diện tích này đã tính toán phân bổ cho 2 cơ sở chế biến tinh bột dong giềng lớn nhất của huyện là cơ sở chế biến Miến dong Nhất Thiện và Cty TNHH Hoàng Giang. Tuy nhiên đến nay hầu hết các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Ba Bể chưa tiến hành thu mua củ dong giềng cho người dân mặc dù giá củ dong giềng hiện nay đã xuống đến mức thấp nhất trong 3 năm qua. Việc các cơ sở chế biến chưa tiến hành thu mua để sản xuất đã tạo áp lực rất lớn đến người dân khi mà sản lượng củ dong giềng rất lớn của người dân thu hoạch ra chưa có nơi tiêu thụ, trong khi đó lực lượng tiểu thương thu mua củ dong giềng về dưới xuôi bán lại rất ít.

Tại cơ sở Nhất Thiện, hiện nay hệ thống dây chuyền sơ chế đã lắp đặt xong  với công suất khoảng 80 tấn củ/ ngày nhưng do chưa xử lý được môi trường, giá tinh bột thấp và đầu ra rất khó khăn nên cơ sở chỉ thực hiện thu mua chung chuyển đi các tỉnh khác để sơ chế. Còn đối với cơ sở Hoàng Giang, những ngày này cơ sở cũng đang bắt đầu tiến hành thu mua củ dong cho bà con tuy nhiên giá mua cũng chỉ đạt từ 700 – 1000 đồng/ kg. Lý giải cho câu hỏi vì sao đến thời điểm nay các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Ba Bể vẫn chưa tiến hành thu mua củ dong giềng để hoạt động sản xuất  hoặc có mua cũng với mức giá thấp thì phần lớn các cơ sở chế biến đều cho biết, nút thắt ở đây chính là giá bột xuống quá thấp khiến cho cơ sở sản xuất không có lãi.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, bà Đặng Thị Anh Thơ – Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Ba Bể cho biết: Việc giá thu mua củ dong riềng năm nay xuống quá thấp đã khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để tháo gỡ và tìm thị trường tiêu thụ củ dong giềng cho người dân hiện nay, một mặt chính quyền địa phương đã khoanh vùng cho hai cơ sở chế biến củ dong giềng lớn nhất huyện tiến hành thu mua cho người dân, đồng thời liên hệ với các đầu mối ở các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng giúp các tiểu thương mua củ dong giềng để chuyển về các thị trường này.

Vụ dong giềng năm 2013 của huyện Ba Bể mới chỉ bắt đầu. Bài toán đầu ra cho củ dong  giềng và nâng cao giá bán củ dong giềng để người nông dân đỡ bị thiệt thòi, giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trở lại là những vẫn đề cần có sự vào cuộc, giúp đỡ quyết liện hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương và của tỉnh có như vậy thì việc phát triển mở rộng cây dong giềng cũng như các loại nông sản khác trong những năm tiếp theo mới nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân và bài toán xóa nghèo từ cây dong giềng mới thực sự phát huy đúng hiệu quả./.

 

 

 

Bài trướcHội Chữ thập đỏ huyện Ba Bể: Thực hiện tốt công tác cứu trợ xã hội
Bài tiếp theoTrung tâm bồi dưỡng chính trị huyện: Bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng