Ba Bể với công tác bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Bể đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương.

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Bể đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương.

Huyện Ba Bể có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Tày, Dao, Mông, Hoa, Kinh). Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95,2%. Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng, tiếng nói, câu hát, lối sống, trang phục… khác nhau và đều mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Để mỗi đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân cư luôn phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể luôn quan tâm đến công tác vì sự tiến bộ và phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số, sự bình đẳng giới giữa nam và nữ; tạo điều kiện cho nữ dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội; từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; đảm bảo sự bình đẳng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và trong gia đình.

Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Ba Bể luôn nhận được sự quan tâm, tài trợ từ các tổ chức quốc tế 

 Trong nhiệm kỳ 2010 – 2016, Đảng bộ huyện có 20% cấp ủy viên là nữ, trong đó cấp ủy viên nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,5%. Tại các xã, thị trấn cấp ủy viên nữ chiếm 20,5%, trong đó cấp ủy viên nữ DTTS chiếm 90%; nhiệm kỳ 2011 – 2016, đại biểu nữ HĐND huyện chiếm 25,8%, trong đó nữ DTTS chiếm 75%. Đối với các xã, thị trấn đại biểu nữ chiếm 21,8%, trong đó nữ đại biểu DTTS chiếm 82,2%.

Trong nền kinh tế địa phương, tỷ lệ nữ DTTS tham gia phát triển kinh tế tăng lên qua từng năm, thể hiện rõ nhất từ hiệu quả phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua vay vốn từ các chương trình. Các mô hình kinh tế do nữ DTTS làm chủ mang lại thu nhập cao hàng năm xuất hiện ngày càng nhiều; tỷ lệ nữ DTTS được tham gia các lớp đào tạo nghề tại nông thôn hàng năm đạt từ 40 – 45%.

Cùng với đó, việc xét cử tuyển vào các trường đều bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ người DTTS, nhằm từng bước tạo nguồn cán bộ nữ DTTS có chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ DTTS được thực hiện theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo cho phụ nữ thực hiện tốt chức năng sinh và nuôi dạy con, góp phần bảo vệ sức khỏe người mẹ cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.

Trong gia đình, quyền của phụ nữ cũng ngày càng được phát huy trong việc tham gia quyết định các công việc của gia đình, như đứng tên trong các hợp đồng kinh tế, bản kê khai, chứng nhận tài sản của gia đình…

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới tại địa phương, huyện còn thực hiện công tác bình đẳng giới thông qua việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ sinh hoạt như: Câu lạc bộ ‘‘Sinh kế và quyền phụ nữ’’, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, ” Không có người sinh con thứ 3″, “Văn hóa – văn nghệ” , “Phụ nữ và pháp luật”…; phối hợp với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam thực hiện dự án ‘‘Nâng cao năng lực phụ nữ dân tộc thiểu số trong tiếp cận các cơ hội và dịch vụ phát triển kinh tế (EEMW)” tại 02 xã Bành Trạch, Phúc Lộc. Hiện nay, dự án đang hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai tổ chức thực hiện bình đẳng giới trong dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn: Trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số chưa đồng đều, nhất là phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu nên ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới; một phần người dân còn mang định kiến về giới; việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác bình đẳng giới chủ yếu thực hiện lồng ghép với các hoạt động khác nên hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện, thời gian tới, huyện Ba Bể chú trọng đẩy mạnh phát triển hội viên các tổ chức hội (hội phụ nữ, thanh niên, hội nông dân) trong các thôn đồng bào DTTS; làm tốt công tác phổ cập giáo dục các cấp học, đồng thời đào tạo, nâng cao trình độ trình độ văn hóa, nhận thức cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng cao; xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới./.

Bài trướcBa Bể nỗ lực phát triển rừng
Bài tiếp theoBa Bể thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật