Ba Bể thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (GDPL), thời gian qua, huyện Ba Bể luôn tích cực làm tốt công tác triển khai thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật đến toàn thể cán bộ và người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc chuyển biến nhận thức của người dân, ổn định và giữ vững tình hình an ninh trật tự xã hội của địa phương

Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ có mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân bằng cách đổi mới phương thức tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc, góp phần thực hiện nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tại huyện Ba Bể, nhận thức rõ là huyện miền núi có trình độ dân trí không đồng đều nên việc nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Do vậy, thời gian qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật luôn được huyện duy trì thường xuyên và có nền nếp. Huyện coi công tác tuyên truyền, phổ biến là yếu tố trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Nội dung phổ biến, tuyên truyền được huyện lựa chọn phù hợp với từng đối tượng và mỗi địa phương.

Đối với cán bộ, công nhân viên chức, huyện tuyên truyền về Luật cán bộ, công chức, viên chức; Luật lao động, khiếu nại, tố cáo; Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự; Luật giao thông đường bộ, phòng chống ma tuý…; hàng năm còn xây dựng mô hình sinh hoạt “Ngày pháp luật” cho cán bộ, công chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Đối với người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, luật phòng chống tệ nạn xã hội, hôn nhân gia đình, bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em, tín ngưỡng tôn giáo…

Trong tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, các văn bản về Luật Giao thông đường bộ, phòng chống ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội, Luật Bảo vệ môi trường… được huyện tập trung tuyên truyền phổ biến. Bên cạnh đó, đối với người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp và các lực lượng vũ trang (quân đội, công an nhân dân), huyện cũng thực hiện nội dung phổ biến GDPL phù hợp với từng đối tượng riêng.

Cùng với đó, để công tác phổ biến GDPL đạt hiệu quả cao, huyện chủ động củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác. Hàng năm, đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở luôn đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu công tác. Do vậy, chất lượng hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn huyện có 21 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 245 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 802 hoà giải viên.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được huyện lồng ghép trong các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Ba Bể chủ yếu thông qua các hình thức: Tuyên truyền miệng qua các hội nghị tổ chức ở cấp huyện, cấp xã và lồng ghép vào cuộc họp cơ quan, họp thôn, bản, tiểu khu; trong giảng dạy chính khóa ở trường học; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (loa truyền thanh); qua các lễ hội truyền thống hàng năm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua việc khai thác tủ sách, ngăn sách pháp luật; qua công tác hòa giải cơ sở; các câu lạc bộ pháp luật; tờ rơi, tờ gấp…

Nhờ đó, sau một thời gian thực hiện chương trình phổ biến GDPL của Chính phủ, tình hình vi phạm pháp luật huyện Ba Bể trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, an toàn giao thông đã giảm dần qua từng năm. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Người nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và phần đông thanh niên đã thực hiện tốt quy định pháp luật. Điều đó cho thấy, công tác phổ biến GDPL đã từng bước đi vào đời sống xã hội, làm chuyển biến nhận thức cũng như hành động của mỗi người dân huyện Ba Bể./.

Bài trướcBa Bể với công tác bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số
Bài tiếp theoBa Bể đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản