Ông Vi Văn Biên thôn Bản Lùng là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất của xã Chu Hương. Năm 2010, từ chương trình Nghị quyết 30a của Chính Phủ, gia đình ông được hỗ trợ một con trâu nghé để nuôi. Từ sự cần cù chịu khó chăm sóc, bảo vệ nên sau hai năm gia đình ông đã có 3 con trâu to khỏe có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, cuối năm 2013 vừa qua, niềm vui như được nhân lên khi gia đình ông đã được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà Đại đoàn kết vững chắc để yên tâm lao động sản xuất. Ông Biên cho biết, từ một hộ nghèo, khó khăn của xã đến nay gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống.
Ông Vi Văn Biên thôn bản Lùng xã Chu Hương chăm sóc đàn trâu của gia đình |
Ông Hoàng Văn Danh – Chủ tịch UBND xã Chu Hương cho biết: Từ khi triển khai chương trình Nghị quyết 30a mà nhiều công trình hạ tầng thiết yếu của xã Chu Hương đã được đầu tư, xây dựng; mở rộng các mô hình sản xuất nông – lâm nghiệp và chăn nuôi. Sự hỗ trợ đầu tư đúng hướng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo.
Anh Phạm Thế Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Trĩ cho biết: Xã Hoàng Trĩ, địa phương có dân số tương đối ít, địa hình hiểm trở với nhiều núi đá, đất đai bạc màu, ít ruộng nước và còn hơn 2/3 số hộ dân thuộc diện nghèo. Nhưng từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, xã Hoàng Trĩ đã có nhiều thay đổi, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, các thôn, bản có đường giao thông liên thôn, hệ thống nước sạch, thủy lợi, điện lưới quốc gia phục vụ đời sống và sản xuất… Đặc biệt, người dân được hỗ trợ khai hoang thêm diện tích lúa nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia trồng rừng kinh tế, góp phần tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Chương trình 30a đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt đời sống của đồng bào các dân tộc đã có sự thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, số hộ nghèo giảm mạnh, hủ tục cũng đã dần xóa bỏ.
Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, huyện Ba Bể đã được đầu tư trên 204 tỷ đồng ở nhiều hợp phần khác nhau. Để việc triển khai đạt được hiệu quả cao, huyện đã xây dựng chương trình mục tiêu giảm nghèo lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác của tỉnh đang được triển khai ở địa phương. Từ đó, huyện đã phân bổ nguồn vốn được giao và sử dụng hợp lý vào việc đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sạch sinh hoạt, trường học; hỗ trợ phát triển sản xuất và chăn nuôi gia súc.
Ông Dương Văn Kinh – Trưởng Phòng Lao động thương binh & Xã hội huyện – Cơ quan thường trực BCĐ chương trình Nghị quyết 30a của huyện Ba Bể cho biết: Qua 5 năm triển khai chương trình, đã có 116 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, hỗ trợ làm 419 nhà ở cho hộ nghèo theo quyết định 167 của Thủ tướng Chính Phủ, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi cho trên 14.600 lượt hộ nghèo và cận nghèo để phát triển sản xuất, ngoài ra, các chính sách về hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, hỗ trợ các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, …được triển khai hiệu quả đem lại nguồn sinh khí mới cho huyện nghèo Ba Bể. Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, tạo được niềm tin và sự hưởng ứng của nhân dân, Nghị quyết 30a đã thực sự tạo sức bật cho huyện ngày càng phát triển.
Cuộc sống ấm no, ổn định đang dần đến với người dân huyện vùng cao Ba Bể khi các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ phát huy hiệu quả. Thời gian tới, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết đạt kết quả toàn diện hơn, trong đó đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên đơn vị canh tác; bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương./.