Ảnh: Sản xuất nông nghiệp sử dụng cơ giới hóa ngày càng phủ khắp các thôn bản
Trước yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, sản xuất bằng cơ giới hóa, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Ba Bể, nông dân đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: Đẩy mạnh việc cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, tăng thu nhập. Đây thực sự là những tín hiệu vui trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân rút ngắn được thời gian làm đất, gieo cấy kịp thời vụ, ít tốn công sức lao động cho con người; ruộng lúa, nương ngô được cày sâu, bừa kỹ, cây lúa, cây ngô phát triển tốt, năng suất, sản lượng cao hơn. Đến nay, hầu hết khắp các thôn, xã trong toàn huyện, người dân sản xuất nông nghiệp đều sắm đầy đủ các loại máy xay xát, máy cày, bừa, máy gặt, máy tuốt, xe càng vận chuyển nông, lâm sản…
Gia đình anh Triệu Thành Chu – Thôn Phiêng Phàng xã Yến Dương là một trong những hộ đi đầu trong việc cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trao đổi với chúng tôi anh Chu cho biết: Trước kia, muốn hoàn thành việc cày, bừa cần có ít nhất 2 con trâu, vật lộn hàng tuần mới hoàn thành việc cày, bừa xong 2, 3 bung ruộng. Từ ngày có máy cày, bừa, gia đình không phải thuê máy làm đất như trước nữa, chỉ cần hơn một ngày là hoàn thành việc cày, bừa rất tiện lợi.
Từ hiệu quả của việc sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hiện nay, tất cả 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mỗi địa phương sử dụng cơ giới hóa chiếm từ trên 85 – 95%. Cũng nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện ngày càng tăng, tính riêng trong năm 2014 tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đã đạt trên 31 nghìn tấn. Sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả việc thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó sử dụng máy cày trong sản xuất nông nghiệp còn giúp giải phóng sức lao động cho người dân, bà con có thêm thời gian để làm nhiều việc khác. Bà Dương Thị Thoa – Phó Chủ tịch UBND xã Địa Linh cho biết: Trong những năm gần đây, bà con ở các thôn trên địa bàn cũng cơ bản đã tự mua sắm máy cày, bừa. Toàn xã hiện có khoảng trên 80% số hộ trở lên có máy cày, bừa, máy tuốt lúa, ngô.
Ông Cao Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của huyện, trong những năm gần đây, từ các chương trình dự án, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về giống cây trồng cũng như công cụ sản xuất cho bà con. Cụ thể như bằng nguồn vốn của dự án 3 PAD, một số địa phương trên địa bàn đã hỗ trợ giống khoai tây để tăng sản xuất vụ đông, còn đối với chương trình khấc như 135, 30a và các chính sách khác UBND huyện đã tập trung hỗ trợ giống cây trồng cũng như các phương tiện, công cụ sản xuất cho bà con qua đó đã nâng cao được hệ số sử dụng đất. Việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đang là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Có thể nói việc cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Bể thời gian qua không chỉ giải bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người trong độ tuổi lao động đi làm tại các công ty mà còn giảm chi phí trong sản xuất. Đồng thời, tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.