Ba Bể: Phát huy giữ gìn truyền thống Lễ hội Lồng tồng

Cùng với cây đàn tính và những điệu hát then, hát sli, hát lượn, người Tày Ba Bể còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hoá thể hiện khát vọng trong tín ngưỡng về nông nghiệp, tiêu biểu là Lễ hội Lồng tồng, một trong những lễ hội độc đáo được diễn ra vào tháng Giêng Âm lịch hàng năm (sau tết Nguyên đán).

 

 

Ảnh: Lễ hội Lồng tồng xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể


Lễ hội Lồng tồng cũng như Lễ “xuống đồng” của người Kinh đều mang đậm dấu vết tín ngưỡng phồn thực. Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất đều mang ý nghĩa thể hiện sự giao hòa đất trời, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, chắt chiu làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần đã phù hộ, che trở cho nhân dân được thuận lợi và bội thu trong sản xuất, an khang trong đời sống. Như nhiều lễ hội của các dân tộc khác, Lễ hội Lồng tồng của người Tày Ba Bể cũng là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính cố kết cộng đồng, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương. Lễ hội là dịp để người dân hội tụ giao lưu văn hoá, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, dân tộc phát triển, kết hợp giữa văn hoá truyền thống với văn hoá hiện đại, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần vui tươi, lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trò chuyện với phóng viên Ông Dương Văn Thục – Tiểu khu 7, Thị Trấn Chợ rã cho biết: “Không biết Lễ hội Lồng tồng có từ bao giờ, chỉ biết từ khi còn nhỏ tôi đã được đi lễ hội rồi. Tất cả mọi người dân trong bản đều đi hội để cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng càng năm càng bội thu, năm sau tốt hơn năm trước và ban sức khỏe cho con người, cho chăn nuôi không có bệnh dịch lây lan xảy ra…”

Những năm gần đây Lễ hội Lồng tồng được tổ chức ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể. Việc tổ chức Lễ hội Lồng tồng mang nhiều yếu tố của tín ngưỡng phồn thực, với một khát vọng cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, năm mới làm ăn thuận lợi. Tất cả những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nảy nở, mọi điều an lành đều được người dân gửi gắm vào mỗi mâm lễ của mình dâng lên các vị thần linh để cầu tiếp cho năm sau… Khi thực hiện xong phần lễ thì phần quan trong nhất trong buổi Lồng tồng là nghi lễ xuống đồng sẽ được bắt đầu, bà con sẽ chọn một người cày giỏi và giao trọng trách mắc cày vào một con trâu mộng to khỏe để vạch luống cày đầu tiên cho mùa vụ mới. Phần lễ kết thúc, cũng là lúc diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Tung còn được chọn là trò chơi khai hội, nó mang đậm ý nghĩa âm dương hòa hợp trong tín ngưỡng phồn thực. Đây là hoạt động đông vui thu hút nhiều người tham gia nhất. Trò chơi tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo, những quả còn được các nam thanh nữ tú thi nhau ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn trên ngọn cây nêu là âm dương đã giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu và ai ném trúng hồng tâm đầu tiên sẽ được trao giải thưởng, được coi là điềm may mắn trong cả năm, được thần linh phù hộ. Và từ trò chơi này nhiều cặp trai gái có thể nên lứa nên đôi. Những nét đẹp văn hóa trong lễ hội không chỉ mang lại món ăn tinh thần cho bà con nhân dân trong những ngày đầu xuân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong không khí rộn ràng sôi nổi, mỗi trò chơi đều chứa đựng những ước mơ, những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, về một mùa màng sinh sôi, nảy nở. Những nét văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc vẫn luôn hiện hữu trong đời sống đương đại. Vì vậy việc gìn giữ và bảo tồn các nét đẹp ấy là việc cần và nên làm thường xuyên.

 

Ảnh: Đi Cà kheo – một trò chơi dân gian trong Lễ hội Lồng tồng huyện Ba Bể


Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy mà bà con các dân tộc nơi đây có điều kiện để phát huy truyền thống và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Một mùa xuân lại đến, lễ hội Lồng Tồng lại được các địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể tưng bừng tổ chức. Và lễ hôị Lồng Tồng cứ thế đi vào đời sống của người dân tộc Tày nơi đây. Để duy trì và ngày càng phát triển các giá trị văn hóa của lễ hội Lồng Tồng trên địa bàn huyện, Đồng chí Nguyễn Văn Dong – Q. Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết:“Hằng năm UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức Lễ hội lồng tồng theo phong tục tập quán của địa phương. Hiện nay Lễ hội Lồng tồng ở Ba Bể đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong thời gian tới đối với hội xuân khi tổ chức thì huyện cũng sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai và thực hiện những nội dung trong kế hoạch nhằm phát huy những bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể trong lễ hội…”

Để phát huy và giữ gìn truyền thống Lễ hội Lồng tồng, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể. Huyện Ba Bể sẽ tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa sự nghiệp văn hóa – thể thao, nhằm đẩy mạnh và củng cố xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát triển; thường xuyên quan tâm đến đời sống văn hóa của nhân dân, đặc biệt là các thôn, bản vùng cao, vùng xâu, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo khí thế để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể bước vào một năm lao động sản xuất với nhiều thắng lợi mới./.

                                                                            

 

 

 

Bài trướcTrung tâm Y tế Ba Bể: Sẵn sàng phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015
Bài tiếp theoBa Bể: Quan tâm, chăm lo tết cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo