Ba Bể – Cần sớm khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm phục vụ du lịch

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Tày vùng Hồ Ba Bể vốn đã có từ rất lâu đời, nhưng theo thời gian nghề dệt thổ cẩm này đang dần bị mai một. Làm thế nào để bảo tồn và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống này để phục vụ du lịch đang là vấn đề đặt ra đối với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi đây./.

 

Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu vốn là một địa danh nổi tiếng không chỉ bởi nơi đây là một làng du lịch nằm trong vùng hồ Ba Bể, có cảnh đẹp nên thơ với những con người chất phác, hiền lành mà còn nổi tiếng bởi  những nét văn hóa riêng vốn có của mình, trong đó không thể không nhắc đến nghề dệt thổ cẩm. Đối với bà Dung, Bà Sao ở thôn Pác Ngòi thì từ bao đời nay, trải qua rất nhiều vất vả, nhọc nhằn thì nghề dệt thủ công truyền thống này vẫn luôn được những lớp người có tuổi như bà trân trọng, gìn giữ. Bà Hoàng Thị Sao – Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu cho biết: Nghề dệt thổ cẩm này được truyền từ đời ông bà thời xưa rồi, ngày trước phải dệt vải để bán thì mới có cái ăn cái mặc để dùng hàng ngày. Việc dệt vải ở đây rất đơn giản và dễ làm, chỉ khi nào dệt làm mặt địu hoặc mặt chăn thì hơi khó một chút, còn nếu làm vải bình thường, vải trơn thì cũng dễ thôi. Bà Sao cho biết: “gia đình tôi làm nghề dệt thổ cẩm này đã 2 đời rồi, vừa là để tăng thu nhập cho gia đình đồng thời cũng duy trì được bản sắc văn hóa của dân tộc”.

 

Ảnh: Chị Hoàng Thị Sao – Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu bên khung cửi dệt vải


Từ xa xưa, nghề dệt thổ cẩm đã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tình cảm của người Tày vùng hồ Ba Bể. Họ thường sử dụng những sản phẩm thêu dệt làm vỏ chăn, ri- đô, rèm cửa, địu, tay nải, khăn trải bàn… Trong gia đình của người Tày bản địa khi xưa hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt, mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Đó có thể  là món quà ngày cưới mà cô dâu mang về nhà chồng, quà tặng bố, mẹ, quà mừng đầy tháng của đứa trẻ… Tất cả những giá trị văn hóa đó tạo nên những nét đẹp không thể pha trộn hòa lẫn với bất cứ dân tộc nào.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự hội nhập kinh tế quốc tế, khoa học kỹ thuật phát triển cùng với sự du nhập của các nền văn hóa hiện đại mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống không còn được thế hệ trẻ lưu giữ và đang có nguy cơ bị mai một. Mặc dù những năm qua huyện Ba Bể đã quan tâm triển khai nhiều Dự án nhằm khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống như: Dự án PAC đào tạo lớp dệt thổ cẩm tại xã Nam Mẫu; Dự án bảo tồn làng văn hoá Pác Ngòi, đồng thời mở các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho các học viên là chị em phụ nữ tham gia… Tuy nhiên do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa du nhập vào đời sống của người dân, nhất là sự âu hóa trang phục của các dân tộc, tạo nên sự cạnh tranh giữa sản phẩm địa phương và các sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, sự thiếu vốn để đầu tư cùng kỹ thuật dệt thô sơ, mất nhiều thời gian là những nguyên nhân khiến cho nhiều người không còn mặn mà với các sản phẩm từ dệt thủ công truyền thống. Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Bể chỉ có xã Nam Mẫu và Khang Ninh là còn lưu giữ được nghề dệt truyền thống, tuy nhiên cũng chỉ rải rác ở một số gia đình và chủ yếu là được lưu truyền trong lớp người cao tuổi. Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm ở xã Nam Mẫu trước đây độ khoảng chục năm về trước ở các thôn vùng thấp như: Pác Ngòi, Bó Lù, Bản Cám và Cốc Tộc thì hầu như nhà nào cũng có 1 khung cửi dệt vải. Nhưng hơn chục năm trở lại đây thì nghề dệt này đã bị mai một. Hiện nay ở Bản Pác Ngòi chỉ còn khoảng gần chục hộ là giữ được nghề dệt thủ công này và vải dệt đó họ giành để làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng, làm ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch như: địu, túi đeo, túi du lịch, khăn… Địa phương chúng tôi  rất lo ngại, vì nghề dệt này là nghề truyền thống của chính người dân tộc Tày ở vùng Hồ Ba Bể. Chúng tôi muốn đề nghị cấp trên quan tâm tìm giải pháp và có nguồn vốn đầu tư khôi phục để giữ được làng nghề này để khách du lịch tìm đến những mặt hàng là sản phẩm mà chính người Tày nơi đây làm ra…”

Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, của các cá nhân, tổ chức tâm huyết với nghề, huyện Ba Bể chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu; đồng thời có chính sách đồng bộ về đạo tạo nghề, có vốn để động viên hỗ trợ bà con; năng động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các điểm du lịch…Mặt khác, huyện và tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động và bảo vệ môi trường, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với Hồ Ba Bể./.

                                                                   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcHuyện Ba Bể phấn đấu nâng tổng đàn gia súc lên trên 18.900 con trong năm 2015
Bài tiếp theoHội Người cao tuổi huyện Ba Bể triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 và đánh giá 5 năm thực hiện phong trào “Tuổi cao – gương sáng” giai đoạn 2010 – 2015