Những gương phụ nữ điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua năm 2019

Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN triển khai, trong năm 2019 trên địa bàn huyện Ba Bể đã xuất hiện nhiều gương hội viên phụ nữ tiêu biểu. Họ là những điển hình về tinh thần chịu thương, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

1. Chị Nông Thị Thắm, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Thạch Ngõa 2, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội, đồng thời là tấm gương sáng cho những hội viên khác noi theo trong vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi lấy chồng, không cam chịu trước hoàn cảnh khó khăn, chị đã mạnh dạn tìm hướng đi riêng cho gia đình. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của cây hồi phù hợp trồng trên đất đồi của gia đình, năm 1996 hai vợ chồng chị đã không ngại khó, phát quang cây dại trên núi để trồng cây hồi. Ban đầu chỉ trồng 100, 200 cây, sau đó mỗi năm phát triển thêm diện tích nhưng thu nhập cũng chưa được cao, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Sau những buổi tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ tại thôn, thông qua các hoạt động của hội, chị đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển cây hồi. Đến nay gia đình chị đã có 2ha hồi, tính riêng năm 2019, từ 2ha hồi gia đình chị đã thu về  hơn 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm có thời vụ tăng thêm thu nhập cho 7 lao động địa phương với mức 200 nghìn đồng/ngày/người. Từ việc phát triển cây hồi, chị đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp như: đào ao thả cá với diện tích 5.000m2, trồng hơn 20ha rừng, nuôi gần 100 con lợn, 10 con bò…

          Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị Thắm còn là một hội viên tích cực trong công tác hội, chị thường xuyên vận động chị em cùng nhau xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, hỗ trợ cây giống cũng như chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các chị em trong chi hội để cùng nhau phát triển kinh tế.

2. Là một Chi hội trưởng năng động, nhiệt tình trong công tác hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và là một điển hình trong phát triển kinh tế gia đình đó là chị Triệu Thị Lỵ, – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Nà Niềng xã Khang Ninh.

Năm 1998, chị Lỵ xây dựng gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị rất vất vả, tài sản cũng chỉ có mấy đám ruộng, nương khô cằn. Không cam chịu đói nghèo, hai vợ chồng chị luôn trăn trở tìm cách để phát triển kinh tế. Vợ chồng chị tranh thủ mọi thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu khoa học kỹ thuật và các mô hình kinh tế qua sách, báo, tivi… Đến năm 2010, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường, chị Lỵ nhận thấy mô hình chăn nuôi sẽ là hướng đi hiệu quả phát triển kinh tế bền vững cho gia đình, chị đã mạnh dạn đầu tư 3 con lợn nái nhân giống và 2 cặp trâu sinh sản. Sau một năm, từ 3 con lợn nái, gia đình chị đã có đàn lợn 30 con; từ 2 cặp trâu đã sinh sản được 6 con.

Từ mô hình chăn nuôi lợn, nuôi trâu đem lại hiệu quả kinh tế, vợ chồng chị đã tích lũy được một số vốn để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi dê. Hiện nay tổng đàn gia súc của gia đình chị có 40 con lợn, 10 con trâu, 30 con dê. Trừ các chi phí đầu tư, mỗi năm mô hình chăn nuôi cho thu nhập bình quân từ 60 – 70 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển mô hình chăn nuôi, gia đình chị còn trồng rừng, trồng các loại cây nông sản. Hiện gia đình chị có 4ha rừng trồng hơn 7.000 cây quế, keo, mỡ. Ngoài ra, hàng năm gia đình chị còn trồng cây lúa, ngô, đỗ tương, dưa hấu…. cho thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng, đặc biệt là mô hình trồng cây dưa hấu đem lại thu nhập cao cho gia đình chị, chị đã mạnh dạn nhân rộng mô hình và chia sẻ kinh nghiệm, vận động hội viên trong chi hội cùng trồng cây dưa hấu. Từ kinh tế gia đình phát triển ổn định, được chồng, con ủng hộ, chị có điều kiện làm tròn vai trò, trách nhiệm của một Chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Luôn tích cực, nhiệt tình trong công tác hội nên chị nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của hội viên. Trong các buổi sinh hoạt chị không ngần ngại chia sẻ, hướng dẫn những kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Trong Chi hội, có hội viên gặp khó khăn chị luôn quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời, tích cực kêu gọi hội viên chung tay hỗ trợ, giúp đỡ. Chị còn hỗ trợ hội viên bằng cách cho một số chị vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế. Nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong thôn được giúp đỡ từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.

 Chị Lỵ chăm sóc đàn lợn của gia đình

Chị Lỵ không chỉ là một Chi hội trưởng phụ nữ năng động, tích cực và nhiệt tình trong công tác Hội và các phong trào thi đua, chị còn là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế để hội viên học tập và làm theo. Những việc làm của chị góp phần thiết thực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phụ nữ địa phương ngày càng phát triển.

3. Chị Triệu Thị Sinh – Hội viên Chi hội phụ nữ thôn Nà Hai, xã Quảng Khê xuất thân từ gia đình thuần nông, đến khi xây dựng gia đình rồi sinh con, vợ chồng chị Sinh luôn chịu khó làm lụng vất vả mà cuộc sống vẫn không thoát khỏi khó khăn. Trước sự đeo bám của cái nghèo, chị đã trăn trở rất nhiều mong tìm hướng đi mới ổn định cuộc sống để con cái sinh ra không phải chịu cảnh thất học như chính bản thân mình, mà vợ chồng không phải đi làm ăn xa, có thể phát triển kinh tế ngay tại quê nhà.

Với tính cần cù, chịu thương, chịu khó chị Sinh đã tìm đọc trên sách vở, báo mạng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, chị đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng cây ăn quả như: Mận sớm, bí xanh, cà chua, dưa lê, dưa hấu, nuôi trâu sinh sản và nuôi lợn thịt. Đặc biệt, năm 2014 chị được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả, chị nhận thấy trồng cây ăn quả cho năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng và được thị trường ưa chuộng, chị đã quyết tâm chuyển đổi mục đính từ trồng lúa sang trồng bí xanh, dưa các loại. Chị đã bàn với chồng vay 50 triệu đồng từ NHCS xã hội huyện, cùng với số tiền gia đình dành dụm được, vợ chồng chị đã đầu tư trồng cây bí xanh, dưa các loại và chăn nuôi. Sau khi mạnh dạn phát triển mô hình, đến nay mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng. Với số tiền thu nhập được, chị đầu tư làm nhà, nuôi các con ăn học và tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Giờ đây, gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi, gia đình hạnh phúc. Chị là người phụ nữ năng động, biết phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương và sự quyết tâm tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất của mình.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Sinh còn rất tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ tổ chức, luôn ủng hộ các phong trào của Hội và của địa phương phát động, tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chị đã cùng tập thể chi hội trực tiếp giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Là người đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn, cơ cực nên chị luôn thấu hiểu cảm giác “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chị xứng đáng là tấm gương để chị em hội viên phụ nữ học tập, noi theo.

  Đây mới chỉ là 3 trong số những gương phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua năm 2019 của huyện Ba Bể. Hy vọng, trong thời gian tới còn có nhiều tấm gương phụ nữ được phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng để phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đạt được nhiều kết quả cao hơn.

Bài trướcĐoàn đại biểu người uy tín đến thăm và gặp mặt lãnh đạo Ủy ban dân tộc
Bài tiếp theoHội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Bể khóa XX (mở rộng)